Cái tên Ngô Tự Lập thường được nhắc đến với tư cách là một nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu tư tưởng, là tác giả của nhiều cuốn lý luận đáng đọc. Nhưng còn có Ngô Tự Lập trong những lĩnh vực khác. Bài này sẽ chấm phá về Ngô Tự Lập âm nhạc, một hội viên thú vị của Hội Nhạc sĩ Việt Nam...
“Rượu cuộc đời buồn vui ta nhấp trên môi
Trao cho nhau mùa xuân”
(Các phần chữ nghiêng trong bài đều trích từ lời hát).
Đó là một câu trong ca khúc “Chúc mừng năm mới!” của Ngô Tự Lập. Mùa xuân vốn là một trạng thái khách quan nhưng qua chủ quan lại trở thành món quà. Xuân chỉ có một nhưng khi trở thành món quà trên trái đất sẽ là hàng tỷ mùa xuân được trao và nhận.
“Ánh mắt sẽ là bình yên
Mái tóc sẽ là hơi ấm
Mỗi sớm sẽ đến như một đời…”
Năm mới đến song hành cùng nếp nhăn mới. Giao thừa bao giờ cũng vui xen lẫn buồn. Nhưng ngày hôm qua khép lại thì ngày mới đến lại khởi tạo một cuộc đời mới đầy háo hức. Tuổi không phải là thứ đáng bận tâm.
Cái tên Ngô Tự Lập thường được nhắc đến với tư cách là một nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu tư tưởng, là tác giả của nhiều cuốn lý luận đáng đọc. Nhưng còn có Ngô Tự Lập trong những lĩnh vực khác. Bài này sẽ chấm phá về Ngô Tự Lập âm nhạc, một hội viên thú vị của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Thời học hàng hải tại Liên Xô, Ngô Tự Lập đã học guitar cổ điển và chơi khá thành thạo. Tuy vậy, việc chơi những kiệt tác được các huyền thoại soạn sẵn không làm thỏa mãn người sinh viên này. Lập thích tự viết những giai điệu của mình. Những ca khúc của Ngô Tự Lập vì thế ra đời. Lập không viết ào ạt mà điềm tĩnh nhưng nói như anh em làng nhạc thì gọi là đã viết là “chất”. Là thế hệ “6X đời đầu”, học đại học tại nước ngoài và thạo ngoại ngữ nên anh nhận ảnh hưởng khá mạnh từ trào lưu âm nhạc Pháp, Ý, Anh, Mỹ từ những năm 1960 tới 1980. Có những thần tượng ảnh hưởng có thể kể tới huyền thoại Mỹ Bob Dylan (Ngô Tự Lập đã dịch và xuất bản một số cuốn sách dịch ca từ Bob Dylan), ca sĩ Pháp Edith Piaf, ca sĩ – nhạc sĩ Ý Toto Cutugno, ban nhạc The Beatles, ABBA, Beegees…
Khoảng đầu những năm 2000, khi Ngô Tự Lập là nghiên cứu sinh và giảng dạy tại Trường đại học bang Illinois (Hoa Kỳ), trong những câu chuyện âm nhạc bàn trà cùng các đồng nghiệp quốc tế tại Illinois, Ngô Tự Lập hay phân tích những điểm độc đáo của các nhạc sĩ và ban nhạc Âu, Mỹ những năm 1960 -1980. Với phương Tây thì sự đào thải các sản phẩm giải trí là cực nhanh nên thế hệ sau biết về tiền bối rất đại khái. Có lần đồng nghiệp Thụy Điển nghe Lập nói về ca từ của ABBA thì rất ngạc nhiên. Họ kể rằng có biết loáng thoáng ABBA là do bố mẹ họ có nghe ban nhạc này. Bắt đầu là sự bất ngờ về đất nước của họ có ban nhạc tầm cỡ đến như vậy, sau đó là họ tìm nghe lại ABBA và cảm ơn đồng nghiệp Việt Nam lia lịa.
Bài “Happy New Year!” trước đây đã có bản dịch lướt về cơ bản không đúng với nguyên gốc. Ngô Tự Lập đã dịch lại với tinh thần sát gốc “cả hồn và xác”, lại xếp đúng dấu để người Việt hát không bị lỗi trái thanh điệu. Bài “Người Italia” trước đây bị ai đó đặt lời mới thành “Say tình” với nhân vật rất bệ rạc (đúng kiểu dịch là “diệt”) thì đã được Lập dịch thẳng từ tiếng Italia, sát nghĩa là lòng tự hào của người Italia và dễ hát. Gần đây, Lập xuất bản cuốn “Dịch và dịch ca từ” với mong muốn góp sức làm lành mạnh hóa khâu dịch trong nghệ thuật.
Cuối năm 2022, Ngô Tự Lập trình làng một đêm diễn 15 ca khúc của mình mang tên “Khi thế giới có tên mới” với sự trình diễn của Quán quân Sao Mai Đỗ Tố Hoa, các nam ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, Nguyễn Tuấn Ngọc, Đỗ Minh Đức, MC Anh Thư cùng các tay đàn, tay trống Mạnh Cường, Phan Kiên, Đức Thụy, Nguyễn Hùng. Người đồng hành phối khí ngót 20 năm cho những “đứa con” của Lập là nhạc sĩ Trần Đức Minh, một người với tư duy âm nhạc kỳ ảo kiệm lời. Điểm chung giữa hai người là Ngô Tự Lập từng viết văn chương kỳ ảo và một luận án về văn học ma phương Đông. Khi được hỏi nguyên nhân phối khí ra được màu kỳ ảo thì Minh nói: “Có người nhìn bản nhạc anh Lập thì chưa nghe thấy điều đó, còn tôi thì nghe được nó vang lên như thế nào”. Trần Đức Minh không thể giải thích kỹ hơn mà chỉ có thể bộc lộ bằng việc dẫn dắt ban nhạc cùng cây guitar trên tay.
Ngô Tự Lập viết khá đa dạng. Cấu trúc thì bên cạnh những bài có vòng công năng tối giản T- S – D (theo vòng quãng 5 gồm 3 hợp âm tương thuộc: chủ âm, hạ át âm, át âm) nhưng đôi khi Lập ưa thích ly điệu, hoặc chuyển giọng hoàn toàn, đưa khán giả vào trạng thái mơ hồ khó nắm bắt như bài “Nhà xưa”. Bài “Đường Dương Cầm” phổ thơ Dương Tường phảng phất một chút Bossanova Jazz.
Tất cả những thủ pháp đó dù lôi kéo người nghe nhưng không che đi phần ca từ đôi khi thô nhám lạ lùng. Không dùng những sáo ngữ “nịnh tai”, lời hát Ngô Tự Lập thường đi thẳng vào ý chính. Thoát khỏi những vẻ đẹp mỹ miều như tiếng dương cầm dịu nhẹ và tà áo dài Cát Tường, bài “Hà Nội Hiphop” mang đến vẻ đẹp khác của Hà Nội đầy sức nóng thời 4.0, cởi mở và bao dung. Nào bê tông, phòng net, nào những hot girl váy ngắn rất “ngầu”, nào những chàng Tây ba lô phóng xe Minxcơ, nào những nghệ sĩ cười vang trong bọt bia hơi vỉa hè. Mọi thứ đã đổi thay nhưng lòng người vẫn vương vấn trước ngôi nhà ký ức: “Khương Trung phố quen, hàng xóm nay còn không?/ Ai giờ đây sống trong căn phòng xép ngôi nhà cũ tôi từng sống?”.
Ngô Tự Lập đề nghị Nguyễn Lê Tâm bổ sung cho bài một đoạn rap để biên độ biểu cảm rộng hơn. Muốn rap là có rap: “Có một Hà Nội rất mới, người trẻ tóc nhiều màu. Bung lụa điệu nhảy hiphop chân đi khắp địa cầu. Họ hiến cho đời trí tuệ, đúng là đỉnh của cao. Có một Hà Nội rất mới và vô cùng đáng yêu”.
Cùng dòng chảy này, bài “Thành phố mặt trời lên” viết về Hải Phòng, thành phố cảng mà Lập từng gắn bó thời anh là thuyền trưởng Hải quân. Những ký ức được hiện lên hào sảng: “Thành phố con đường quen/ Của người quen nhưng đời rất lạ/ Bàn chân đất từng đi ngang dọc trên trái đất/ Thành phố của ngày mai của chàng trai nụ cười kiêu bạc…/ Thành phố của mùi sơn, mùi canh bánh đa đường Cát Dài/ Mùi phượng vĩ, mùi rơm lẫn mùi tanh tôm cá/ Thành phố tiếng đàn đêm/ Hòa rượu đêm chập chờn boong tàu/ Và cô em thật xinh, yêu là không hối tiếc…”.
Có những bài cực ngắn như bài “Chuyện xưa sông Luộc” viết chung cùng Trần Đức Minh, phổ thơ Nguyễn Du (dịch giả Phạm Thảo Nguyên). Bài chỉ vẻn vẹn 8 câu, hát thong thả nhưng nhảy quãng tương phản tạo nên chất sử ca huyền tích, tựa như nước mắt của anh hùng không thỏa chí. “Sông Luộc nước chảy đông. Thao thao chẳng trở hồi. Núi xanh thương chuyện cũ. Tóc trắng được về nơi. Ngày xuân thuyền buôn họp. Cổ Lũy mở gió khơi. Lòng vô cùng thương cảm. Cỏ thơm rợn chân trời”.
Thực ra mục tiêu đầu tiên của Lập là viết về sự bi tráng của hàng nghìn người dân bị Pháp tàn sát tại cây đa La Tiến bên bờ sông Luộc. Lập kể, sau một thời gian vật vã, tình cờ anh đọc được bài thơ của Nguyễn Du. Nhận thấy có sự giao thoa giữa cảm xúc của cổ nhân và hiện tại, anh quyết định phổ nhạc. Hôm ấy Lập vừa lái xe qua cầu Nhật Tân vừa lẩm nhẩm hát, đột nhiên toàn bộ bài hát ùa đến. Anh vội vã về nhà, chép ra giấy. Làm xong thì trời đã tối, anh lên cơn sốt, tự nhiên hoảng sợ chính ngôi nhà mình. Hôm sau, Lập hát cho đồng nghiệp nghe. Được nửa bài thì đồng nghiệp kêu lên: “Thôi anh đừng hát nữa. Nghe như có ma ấy”. Sau đó, chính Trần Đức Minh phát hiện ra rằng Nguyễn Du đã kể về chuyện tình bi thương của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Hai anh em quyết định đặt tên bài hát là “Chuyện xưa sông Luộc”.
Tất cả cộng sự, kể cả ca sĩ Đỗ Tố Hoa, đều kêu trời vì sự khó tính của anh Lập. Không ít lần hai anh em mặt mũi căng thẳng suýt bể show. Là học giả, là Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, việc anh kỹ tính đến từng dấu chấm dấu phẩy là dễ hiểu. Nhưng Ngô Tự Lập hiểu và đánh giá rất cao cô ca sĩ giọng họa mi: “Hoa được đào tạo bài bản ở nước ngoài về nhạc cổ điển, thành danh cũng nhờ nhạc cổ điển. Phải rất có tài năng, bản lĩnh và cá tính mới dám và sẵn sàng thay đổi để hát những những thể loại nhạc khác”. Theo Ngô Tự Lập, dự án hợp tác giữa anh với Đỗ Tố Hoa và Trần Đức Minh là một duyên may.
Từ thời in tập truyện ngắn đầu tay “Vĩnh biệt đảo hoang”, Ngô Tự Lập đã luôn sáng tác ra những cái tên không có thật như biển Tùng Quảng, người đọc cứ bồng bềnh không rõ đây là xứ Quảng nào và Tùng có phải Cửa Tùng không? Rồi thì Lạch Huyện, dốc Mù Chang, cá nhồng hoa… Trong bài hát “Nhà xưa” cũng điểm vài cái tên không có thật, như “cây dã ngân”, “hoa tầm sương” v.v… Người nghe đừng hoài công tìm kiếm! Tác giả chỉ muốn tặng một cảm giác mơ hồ.
Đêm nhạc “Khi thế giới có tên mới” cũng gây cho khán giả tò mò. Ngô Tự Lập giải thích về cái tên này qua bài “Giọt nước trong ngần”, một ca khúc nhiều suy tưởng đan nhau nhưng vẫn sáng sủa. Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014 khiến thế giới tranh cãi không hồi kết. Giữa mớ bòng bong ấy, Ngô Tự Lập chợt nghĩ “Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập vào Crưm, cho thế giới này thành một vùng Crưm xinh đẹp”. Tại sao phải nhập vào Crưm mà không phải là Samoa hay Guantanamo… tại sao phải là Guantanamo mà không nhập vào sông Hoàng Hà, Mê Kông hay một hòn đá? … Tại sao không nhập vào giọt mưa tinh khôi, để mọi người, bạn và tôi cùng nhập vào giọt nước? Và tất cả loài giun, loài sâu cũng xứng đáng được là công dân của giọt nước trong ngần… “Tuyệt nhất, tôi nghĩ, nếu thế giới thống nhất nhập vào nước. Cho thế giới này thành một giọt nước trong ngần”. Ca từ cứ thế hình thành và câu cuối “Đừng bảo tôi là người điên! Thực lòng tôi, vẫn mong ngày mọi loài đều thành công dân của giọt nước trong ngần”.
Ý nghĩ này tất nhiên là phi thực tế, nhưng có gì đó thoát tục, có gì đó gần với thế giới đại đồng. Suy tưởng thốt ra như từ một chàng ngốc nhưng lại cho người nghe một trạng thái mới nhẹ nhõm hơn. Cái tên của thế giới cũng có thể thay đổi bất tận theo kiếp sinh – diệt luân hồi. Thế giới này hình dạng ra sao chỉ là một hình tướng nhất thời mà thôi.
Ngoài những suy tưởng “cồng kềnh” thì có những bài đơn giản như “Đôi khi” cũng đắng mặn những trải nghiệm. “Ngày trở về, đôi khi cũng là ngày ra đi/ Và ngày đi, đôi khi là ngày về nơi cũ/ Một mình ta nhiều khi, mới thấu tình bạn bè/ Và có những cuộc vui khiến trái tim nặng nề”.
Lập sống tại ngôi nhà sát ngã ba sông Đuống và sông Hồng. Trong nhà sắm đầy đủ nhạc cụ cho một ban nhạc nhẹ gồm acoustic guitar, electric guitar, bass, trống jazz. Đây là nơi bạn bè, đồng nghiệp và nhóm tác giả M6 (Trần Đức Minh, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Sol) thường tụ hội, tranh cãi về âm nhạc. Những cuộc vui này chưa bao giờ nặng nề, bởi nó chắp cánh một album mới của Ngô Tự Lập có tên “Thế giới có tên mới”.
Lê Tâm