(KTSG Online) – Lãi suất đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng, Trung Quốc mở cửa và xuất khẩu khó khăn được cho là ba yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
- Tăng trưởng GDP năm 2022 nhờ… chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
- Trung Quốc bỏ ‘zero Covid-19’: xuất khẩu nông sản vẫn không được chủ quan!
- Lạm phát năm 2023 sẽ diễn biến ra sao?
- Dự phòng cho lạc quan
Ba mối quan ngại lớn
Con số tăng trưởng GDP mạnh mẽ lên đến 8% trong năm 2022 không xoá đi được những nỗi lo về tình hình kinh tế năm nay, khi sự ảm đạm trong các hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến tiêu dùng đã lan tỏa ngày càng rõ rệt hơn.
Báo cáo trước đó cho thấy, GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1997. Dù tăng trưởng cao như vậy nhưng giới phân tích đánh giá, đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng này là nỗi lo lớn, khi các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại.
“Việt Nam không nên ngủ quên trên chiến thắng vì ẩn dưới con số tăng trưởng đẹp đẽ này là những rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của năm 2023”, báo cáo kinh tế Việt Nam hồi đầu năm của HSBC nhận định.
Câu chuyện lo ngại đầu tiên nằm ở khả năng tăng lãi suất đồng đô la Mỹ. Năm ngoái, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục và mạnh tay nâng lãi suất khiến cho các đồng tiền ở hầu hết quốc gia phải chao đảo, trong đó có Việt Nam.
Cho đến nay, áp lực từ đồng đô la đã giảm bớt nhưng kế hoạch tăng lãi suất đồng bạc xanh vẫn còn kéo dài, ít nhất cho đến giữa năm sau và tiếp tục duy trì ở mặt bằng cao trong năm 2023.
Trong khi áp lực từ việc tăng lãi suất đô la trở nên quá rõ ràng trong nửa cuối năm 2022 thì câu hỏi về việc Trung Quốc mở cửa từ đầu năm 2023 và mức độ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu như thế nào lại được nhắc đến nhiều hơn gần đây.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nơi đem đến nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam, với tỷ trọng là 30%.
Cuối tháng 12 vừa qua, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng, VinaCapital, bình luận bên cạnh tác động tức thời là sự cải thiện về tâm lý đối với tiền đồng, tác động quan trọng nhất của việc Trung Quốc mở cửa là lượng khách du lịch có khả năng trở lại bình thường trong nửa cuối năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa cũng sẽ “thúc đẩy nhẹ” tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay.
“Các nhà đầu tư và mọi người đang quan tâm liệu Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào từ sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc, mặc dù có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc mở cửa có thể làm gia tăng lạm phát ở Việt Nam và toàn cầu”, theo ông Michael.
Thách thức thứ ba là khả năng suy giảm nhu cầu của thị trường quốc tế, nặng hơn nữa là suy thoái. Theo báo cáo HSBC, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Động lực bên ngoài của Việt Nam đã giảm tốc mạnh trong vài tháng qua và triển vọng không chắc chắn trong năm mới khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo sẽ chậm lại.
HSBC cho rằng, tình sản xuất có phần ảm đạm của Việt Nam trong thời gian qua là hình ảnh “phản chiếu” của lĩnh vực bên ngoài đang yếu đi. Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu “dao động” của các nước phương Tây.
Số liệu cho thấy xuất khẩu sụt giảm 14% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước. Sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử.
Đi cùng đó là nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1%, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ. Cần lưu ý thêm là trong GDP quí 4, sản lượng sản xuất chỉ tăng có 3% so với cùng kỳ năm trước, được HSBC đánh giá là một “bất ngờ nhỏ”.
Báo cáo kinh tế của Ngân hàng UOB mới đây cũng đưa ra đánh giá tương tự, cho rằng các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại, dù các động lực thúc đẩy tăng trưởng nội địa vẫn ổn định.
“Sự phục hồi mạnh mẽ khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và Châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam”, theo UOB.
Trên câu chuyện vĩ mô, xuất khẩu chậm lại trong khi nhập khẩu năng lượng tăng cao trong nửa đầu năm 2022 dẫn đến sự bất lợi về thặng dư thương mại. Con số này đạt 4,1 tỉ đô la, tương ứng 1% GDP trong năm 2022, từ đó ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán, hệ lụy là ảnh hưởng đến giá trị tiền đồng.
Chờ “gió đổi chiều” vào giữa năm
Kế hoạch tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra năm nay là 6,5%. Trong khi đó, các tổ chức khác lại đưa ra những dự báo khác nhau. Chẳng hạn, HSBC dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 5,8% trong khi Standard Chartered lại lạc quan hơn nhiều khi dự báo mức 7,2% trong năm nay và 6,7% trong năm 2024.
Nhìn chung, đa phần các dự báo đều đưa ra con số quanh mức 6,3-6,5%, trong bối cảnh Việt Nam quay trở về mức tăng trưởng và điều kiện sản xuất bình thường như trước khi có đại dịch Covid-19, dĩ nhiên là cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ phía bên ngoài.
Nhiều nhà bình luận và phân tích kinh tế mới đây cho rằng, tình hình sẽ khó khăn hơn, ít nhất là trong hai quí đầu năm và thời điểm cần chú ý là vào giữa năm nay.
Chia sẻ tại diễn đàn kinh tế mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, cho rằng sẽ phải mất một khoảng thời gian để Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vì cũng như những thị trường khác, người dân và thị trường chưa phản ứng kịp với các chính sách nên thường sẽ “hỗn loạn” khi vừa mở cửa.
“Vào khoảng tháng 4, tháng 5, Trung Quốc sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa”, ông Thành nói.
Đứng trước những khó khăn hiện nay, ông Thành cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn “khe cửa hẹp” vào giữa năm để có thể “đổi chiều” chính sách.
Trong khi đó, ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB, cho rằng trong nửa đầu năm 2023, các nhà quản lý sẽ tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng khi theo dõi diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
“Đến giữa năm, khi lạm phát dự kiến sẽ được duy trì ở mức vừa phải, chúng tôi dự đoán Chính phủ sẽ chuyển sang các chính sách nới lỏng hơn, bao gồm hạ lãi suất và dành thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại”, ông Huy bình luận về kịch bản tăng trưởng cơ bản.
Cũng tại diễn đàn kinh tế được tổ chức gần đây, ở góc độ quản lý các tổ chức tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (thuộc Ngân hàng Nhà nước), tiếp tục khẳng định về mối lo độ trễ lạm phát nhập khẩu.
“Lộ trình định hướng chính sách là làm sao để hỗ trợ tăng trưởng nhưng không thể lơi là lạm phát”, ông Quang nói.
Dũng Nguyễn