
Tin trong báo Hội những năm 1990
MỪNG QUỐC KHÁNH VIỆT NAM TẠI ANH, GẮN TẤM BIỂN TƯỞNG NIỆM CỐ CHỦ
TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI LUÂN ĐÔN: Trong tháng 9-1991, như hàng năm,
Ngày Quốc khánh Việt Nam đã được kỷ niệm tại Unity House, Euston
Road và Đại sứ quán Việt Nam tại Luân-đôn, thành phần tham dự hai
cuộc gặp mặt nói trên có nhiều khuôn mặt mới. Số người tham dự
lên hơn một trăm người cho mỗi nơi. Vào ngày 17-10-1991, tấm biển
tưởng niệm cố Chủ tịch Hồ Chí Minh với dòng chử bằng tiếng Anh:
“Hồ Chí Minh 1890-1969 người thành lập nước Việt Nam hiện đại đã
làm việc vào năm 1913 tại Khách sạn Carlton tại địa điểm này”.
Khánh thành tấm biển có Đại sứ Việt Nam Châu Phong, Dân biểu
Chris Mullin, Chủ tịch Hội Anh Việt, Lord Hugh Jenkins of Putney
và một số nhân vật khác có cả đài thruyền hình… Khách sạn Carlton
ngày nay là New Zealand House, Đại sứ quán của Tân Tây Lan tại
Anh ở đường Hay Market, nơi này chỉ cách Trafalgar Square độ hơn
100 mét, là nơi có đông đảo du khách đến viếng thăm hàng năm.
QUYÊN GÓP GIÚP ĐỒNG BÀO TRONG NƯỚC: Trong những tháng gần đây,
Hội và các cá nhân hội viên đã quyên góp được 125 bảng Anh giúp
trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Một số tiền khác cũng đã được
quyên góp để trùng tu một chùa tại Hà Nội và giúp trại cuì Bến
Sắn, tỉnh Sông Bé.
BAN CHẤP HÀNH MỚI: Trong tháng 9- 1991, Ban chấp hành Hội Người
Việt Nam tại Anh đã được bầu lại gồm các anh Bảo, Ích, Khánh,
Nguyễn, chị Nhung, chị Toán, anh Tứ. Anh Nguyễn có trách nhiệm
phối hợp các hoạt động trong Ban chấp hành. Bác Vinh đảm nhiệm
biên tập báo Hướng Về Nguồn.
HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI PHÁP, nơi có nhiều người Việt Nam cư trú
nhất tại Châu Âu, đã họp đại hội trong tháng 11-1991 và bầu ra
một ban điều hành 18 người, một ban thư ký 8 người.
ĐƯỜNG BAY ĐI VIỆT ANM MỚI TỪ HONG KONG : Kể từ ngày 17-12-1991
hàng tuần có thêm hai chuyến bay Hong Kong – Hà Nội và ngược lại
(thứ tư và thứ bảy hàng tuần) và hai chuyến bay Hong Kong – TP Hồ
Chí Minh ( thứ hai và thứ năm hàng tuần) của Cathay Pacific và
Hàng Không Việt Nam.
NGƯỜI HOA TRỞ LẠI THƯƠNG TRƯỜNG
Tối thứ Bẩy 19/1O, đài truyền hình Channel 4 đã chiếu một
phim tài liệu về Trung quốc và Việt Nam. Phim dài một tiếng đồng
hồ, nửa giờ nói về các sinh viên Trung quốc sau vụ gọi là “thảm
sát Thiên An Môn” và nửa giờ sau về cuộc gập gỡ mấy nhà tân triệu
phú ở Việt Nam.
Phim về Việt Nam do các nhà sản xuất phim ở Thành phố Hồ Chí
Minh thực hiện. Việt Nam gập rất nhiều khó khăn về kinh tế sau 3O
năm chiến tranh, sau những trận ném bom dữ dội và rải thuốc khai
quang của Mỹ, rồi lại còn bị Mỹ cho thi hành chính sách cấm vận
đối với Việt Nam. Hiện nay Việt Nam còn bị Liên Xô cắt viện trợ
và phải mua hàng của Liên Xô trả bằng ngoại tệ mạnh và theo giá
thị trường. Để thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế, Việt Nam
đã theo đuổi con đường Đổi Mới từ cuối năm 1986 hướng về kinh tế
thị trường với khẩu hiệu “Đổi mới để tiến lên”. Nhiều tư nhân đã
xông ra làm ăn buôn bán cạnh tranh với quốc doanh và một số người
đã trở nên giàu có.
Ba nhà tân triệu phú được giới thiệu trong phim “Những ông
chủ mới” là Trần Đức Nam, Minh Phụng và Vưu Khải Thành.
Ông Trần Đức Nam là chủ xưởng may đồ xuất khẩu mang tên
SAIGON. Là quân nhân của chế độ cũ, ông đã phải đi học tập cải
tạo ba năm. Trong thời gian đầu mới được tha về, ông phải chật
vật hết sức trong cuộc mưu sinh. Năm 1983, hai vợ chồng ông mua
một cái máy may cũ hiệu Youth để làm hàng gia công. Từ một máy
may đẻ ra 1O máy và nay đẻ thành 3OO máy. Dự tính của vợ chồng
ông là cố gắng phát triển công cuộc làm ăn gấp ba hoặc bốn làn.
Hiện ông đang cho xây cất thêm xưởng, tăng thêm trang bị để có
thể thâu nhận thêm khỏang 5OO công nhân nữa. Đã có thêm đơn đặt
hàng của Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Nam Triều Tiên v.v…
Kim ngạch xuất khẩu năm nay của hãng ông lên tới 2 triệu đôla.
Vốn của ông là một triệu đô.
Nhưng nếu ông Nam là chủ của 3OO công nhân thì ông Minh Phụng
lại là chủ của 5OOO công nhân. Tổ hợp Minh Phụng có 18 phân
xưởng, vốn đầu tư trên 3 triệu đô la, và cũng chuyên may đồ xuất
khẩu. Xuất thân nghèo hèn, ông Minh Phụng làm nên giàu có nhờ tài
kinh doanh của ông và cũng nhờ … gập may. Điểm đặc biệt ở ông
Minh Phụng là ông hết lòng chăm lo cho đời sống công nhân giúp
việc cho ông như trả lương phù hợp với sản phẩm, bảo hiểm tuổi
già, bệnh tật, giúp đỡ trong việc tang gia, cưới hỏi, tổ chức cho
đi chơi Vũng Tàu, Đà Lạt những ngày nghỉ, có tiền thưởng cuối năm
cho những công nhân tiên tiến. Ông còn luôn luôn lo đào tạo tay
nghề. Được hỏi, một nữ công nhân cho biết khi mới vào làm tháng
5/199O, cô lãnh được 1OO.OOO đồng tiền lương một tháng. Nay tiền
cô lãnh được là từ 12O.OOO tới 18O.OOO đồng. (Nếu qui ra đôla
theo tỉ giá hiện nay là khoảng từ 12 tới 18 đô). Ông Minh Phụng
cũng dự tính phát triển xí nghiệp để có được số công nhân là
lO.OOO người trong vài năm tới.
Ông Vưu Khải Thành là giám đốc Hợp tác Xã Bình Tiên gọi tắt
là BITI, ở Chợ Lớn, chuyên sản xuất giầy dép cao-su. Ông Thành,
người Việt gốc Hoa, vốn là một chuyên gia về cao-su. BITI là xí
nghiệp đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được phép xuất khẩu
trực tiếp. Ông Thành đã từng đi tham quan Hong Kong, Thái Lan,
Đài Loan và đã học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp.
Hãng của ông nay được trang bị toàn máy móc hiện đại nên đã đánh
bại được giầy dép nhập lậu từ Thái Lan và còn xuật khẩu sang Nhật
Bảm, Ý, Pháp, Hà Lan, Đài Loan và nhiều nước khác. Vốn ban đầu là
do tích lũy được từ 1983, sau đó do bà con của chính ông và của
các công nhân trong hãng từ Mỹ, Canada gửi về giúp thêm. Để phát
triển thêm BITI một cách mau lẹ, ông đã quyết định liên doanh với
một cộng ty Đài Loan là công ty Sơn Quán. Ông có kế hoạch đưa hợp
tác xã thành một công ty trách nhiệm hữu hạn. Cơ ngơi của BITI
nay trị giá 3 triệu đôla.
Cả ba nhà tân triệu phú Trần Đức Nam, Minh Phụng và Vưu Khải
Thành đều cho biết họ không sợ chuyện bị quốc hữu hóa. Họ tin
rằng chính phủ Việt Nam nhất định sẽ không trở lại con đường mòn
cũ đã từng làm cho nền kinh tế Việt Nam bị bế tắc, trì trệ. Họ
hài lòng với mô hình tư doanh mà họ cho là có hiệu quả kinh tế
hơn, ngoài ra họ còn gíup chính phủ giải quyết phần nào nạn thất
nghiệp mà họ biết đang là mối lo của nhà nước.
Nhân chuyện ông Vưu Khải Thành, người Việt gốc Hoa, được giới
thiệu là một trong những nhà triệu phú mới của Việt Nam, tưởng
cũng nên tìm hiểu thêm về việc người Hoa xuất hiện trở lại trên
thương trường Việt Nam.
Trước 1975, ở Việt Nam có khoảng 1 triệu rưỡi người Hoa phần
lớn sống tập trung ở các tỉnh phía bắc giáp ranh Trung quốc, đặc
biệt là ở Quảng Ninh, và ở miền nam tập trung tại khu vực Chợ
Lớn.
Thời Pháp thuộc, với chính sách chia để trị cố hữu của thực
dân (như họ đã từng gây chia rẽ Trung Nam Bắc), người Hoa đã được
nâng đỡ để trở thành một cộng đồng cách biệt với người Việt Nam.
Người Hoa được dùng để đi thu mua lúa gạo ở miền quê để xuất khẩu
và bán lẻ các mặt hàng nhập khẩu từ Pháp. Họ được phép quản lý
những công việc riêng của họ và được có đại diện giao thiệp
thẳng với nhà cầm quyền Pháp. Như vậy là họ trở thành một thứ
trung gian giữa người Pháp thống trị và người Việt Nam bị trị.
Năm 1955-57, sau khi thực dân Pháp bị đánh bật ra khỏi Việt
Nam, chính phủ miền Bắc và Trung quốc đã đạt được một thỏa thuận
theo đó người Hoa được đặt dưới quyền hạn của Việt Nam và dần dần
hội nhập xã hội Việt Nam. Người Hoa được làm bất cứ ngành nghề
nào họ muốn, được gia nhập chính quyền, trở thành sĩ quan chỉ huy
trong quân đội Việt Nam, được gia nhập đảng cộng sản Việt Nam,
được quyền ứng cử và có thể được bầu vào Quốc hội Việt Nam.
Ở miền Nam, chính phủ của ông Ngô Đình Diệm cấm người Hoa làm
một số ngành nghề nếu họ không chịu nhận quốc tịch Việt Nam. Khi
Mỹ can thiệp vào Việt Nam và đổ đôla cùng hàng hóa vào miền nam
Việt Nam, một số người Hoa đã trở nên giàu sụ một cách mau chóng.
Họ nắm giữ tới 8O% mọi hoạt động kinh tế ở miền nam. Đã xuất hiện
những người Hoa được mệnh danh là Vua đồng, Vua sắt vụn, Vua
xi-măng, Vua bột ngọt, Vua dây thép gai, Vua lúa gạo … Nhiều
người Việt có quyền thế đã “ăn có” với người Hoa để trở nên giàu
có.
Năm 1975, chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, Mỹ không
còn đổ tiền đổ của vào Việt Nam, công việc làm ăn của người Hoa
bắt đầu xuống dốc. Khi mạng lưới quốc doanh mở rông, nhiều cơ sở
kinh doanh của người Hoa – và cả người Việt – phải đóng cửa. Sau
mấy lần đổi tiền. và đặc biệt là sau chiến dịch đánh tư sản phát
động vào tháng 3/1978, nhiều người Hoa trở thành vô sản mặc dầu
họ có thể còn giấu được nhiều vàng và đôla. Quan hệ Việt Nam –
Trung quốc xấu đi khi Pol Pot cho quân đánh phá và quấy nhiễu dọc
biên giới tây nam của Việt Nam. Khoảng 16O OOO người Hoa đã bỏ về
Trung quốc trong năm 1978 này. Tháng 2/1979, Trung quốc tung quân
sang đánh Việt Nam gọi là “để dạy cho Việt Nam một bài học”. Thêm
một số đông người Hoa ào ạt bỏ đi, nhưng lần này không đi về
Trung quốc mà lại tìm đường sang các nước Đông Nam Á, như Thái
Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, nơi đã có 2O triệu kiều
bào của họ làm ăn sinh sống rất khá giả. Một số đi Pháp, Mỹ, Úc,
Canada và Anh.
Theo bản kiểm tra dân số năm 1989, ở Việt Nam hiện nay có
khoảng 96O OOO người Việt gốc Hoa, chừng 8O% sinh sống ở miền nam
với gần 38O OOO người tại Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung đông
nhất trong khu Chợ Lớn. Ở Hà Nội chỉ còn không đầy 1O OOO người
so với 34 OOO cách đây mười năm.
Kể từ Đại hội 6 họp cuối năm 1986 đưa ra chủ trương đổi mới
với việc cho phép tư nhân làm ăn trở lại, ngày càng thêm nhiều
người Hoa bỏ vốn ra kinh doanh trong lãnh vực sản xuất hoặc
thương mại. Nhiều người đã trở nên giàu có. Trường hợp ông Vưu
Khải Thành không phải là độc nhất. Còn có ông La Công Nguyên đứng
đầu một nhóm người Việt gốc Hoa hùn vốn lập công ty xây cất Việt
Hoa để xây cất lại khu chợ An Đông thành một khu năm tầng dự kiến
hoàn tất vào tháng 1O này. Công trình xây cất này trị giá 5 triệu
Mỹ kim và là một trong những dự án lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh
được thực hiện với số vốn đầu tư của một nhóm người Việt gốc Hoa.
Trước 1975, ông La Công Nguyên là một thương gia giàu có, sau bị
phá sản phải dâng hiến mấy xưởng máy cho Nhà Nước và chỉ mới trở
lại thương trường mấy năm gần đây.
Với chính sách Đổi Mới, Việt Nam khuyến khích người Hoa làm
ăn trở lại trừ ngành xuất khẩu thóc gạo và ngân hàng. Một vài nhà
máy gạo của người Hoa bị quốc hữu hoá trước đây đã được trả lại
cho chủ. Một số người Hoa bỏ đi nước ngoài trước đây đã trở về để
kinh doanh. Nhiều người đã được phép xuất cảnh nay lại đổi ý xin
ở lại không đi nữa. Vốn làm ăn của người Hoa phần nhiều do thân
nhân ở nước ngoài gửi về trợ giúp, đặc biệt là ở Đài Loan, Hong
Kong, Singapore và cả ở Mỹ, Canada. Người Hoa ở trong nước còn
“mách nước” và đứng ra lo phần thủ tục cho các doanh nhân ở Đài
Loan, Hong Kong, Singapore muốn đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay
trong số 32 nước đã đầu tư vào Việt Nam, Đài Loan đứng đầu sổ với
39 dự án trị giá hơn 5OO triệu Mỹ kim, Hong Kong đứng hàng thứ
nhì với 😯 dự án trị giá trên 35O triệu Mỹ kim.
Việc người Hoa xuất hiện trở lại thương trường Việt Nam là
một tín hiệu đáng mừng cho thấy họ đã thực sự tin tưởng chính
sách đổi mới và tình hình ổn định ở Việt Nam. Người Hoa vốn có
tài kinh doanh lại dễ huy động vốn nên sẽ đóng góp hữu hiệu vào
công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam sau bao năm
bị trì chệ. Nhưng chắc họ sẽ không trở lại được ngôi vị độc tôn
về kinh tế như trước đây vì họ sẽ gập phải sức cạnh tranh mãnh
liệt của các doanh nhân người Việt đông đảo hơn … nếu người
Việt biết đoàn kết và bảo được nhau.
CHÀNG LÊ
Chuyện nước Anh
Thế là cuộc bầu cử tại Anh sẽ không diễn ra vào tháng 11 năm
nay như nhiều người tiên đoán mà sẽ chỉ diễn ra vào năm tới.
Không phải đích thân Thủ tướng John Major loan báo tin này mà là
ông đã để các cộng sự viên thân tín của ông xì hơi ra. Được thể,
ông Neil Kinnock,lãnh tụ đảng Labour, liền huyênh hoang tuyên bố
là đảng của ông Major đã sợ thua bỏ chạy nhưng chạy đâu cho thoát
vì cùng lắm là đến tháng 7 sang năm cũng phải tổ chức tổng tuyển
cử thôi.
Tranh cử chưa chính thức bắt đầu mà coi mòi mấy đảng đã đấu
đá nhau khá dữ dội tại Quốc hội cũng như trên vô tuyến truyền
thanh, truyền hình và báo chí. Thôi thì đủ thứ chuyện nào đối
nội, đối ngoại và đặc biệt là trong vấn đề y tế, khám bệnh và
chữa bệnh. Đảng Labour tố là đảng Conservatives đang mưu toan tư
nhân hóa các bệnh viện khiến đảng này phải cải chính chối chết và
tố ngược lại là đảng Labour đã dùng thủ đoạn hù dọa dân chúng
Anh, nhất là những người có bệnh.
Đảng Labour còn tố đảng Conservatives lem nhem trong vấn đề
tiền bạc, chẳng hạn như đã nhận tiền ủng hộ của các “tài pản”
nước ngoài như của ông John Latsis, nhà tỉ phú công ty tầu biển
Hy Lạp; của Sir Yue-Kong Pao, tỉ phú ở Hong Kong, thường là bạn
đánh Golf của Sir Denis Thatcher (chồng bà Thatcher); của Asil
Nadir đang phải ra tòa về vụ công ty Polly Peck, và cả của Ngân
Hàng BCCI vừa bị sụp đổ. Đảng Conservative phủ nhận chuyện nhận
quà cáp của Ngân hàng BCCI và ông Chris Patten, Chủ tịch đảng
Conservative, cũng tố lại là năm 1987 Tổng Công Đoàn Vận Tải Anh
đã ủng hộ đảng Labour nhiều tiền hơn là tổng số tiền các công ty
đã ủng hộ cho đảng Conservative.
Đấu đá nhau về tiền bạc chưa xong thì ông già Edward Chapman,
81 tuổi, thân phụ cô Ann Chapman, một nhà báo tự do bị sát hại
cách đây 2O năm mà nghe nói là do lệnh của Hội đồng Quân nhân Hy
Lạp, đã lên tiếng phản đối việc đảng Conservative nhận 2 triệu
bảng Anh của ông John Latsis là người hậu thuận cho Hội đồng Quân
nhân đã ra lệnh sát hại con gái ông. Còn Sir Yue-Kong Pao, xuất
thân không đồng xu dính túi mà sau trở nên tỉ phú ở Hong Kong với
số tài sản ước chừng 1 ngàn 3OO triệu đô-la Mẽo thì vừa mới qua
đời hồi tháng 9 vừa qua, thọ 72 tuổi. Lẽ dĩ nhiên ông chết rồi
nên không ai biết được ý kiến của ông về chuyện này.
Cũng nằm trong chiến dịch tranh cử, sau cuộc chính biến 6O
giờ tại Liên Xô, ông John Major đã làm một vòng quanh mấy nước
trong số có … Trung quốc. Để xoa dịu những người phản đối
chuyến đi Trung quốc này vì họ còn nhớ rõ những gì xẩy ra ở Thiên
An Môn, ông Major đã mạnh miệng tố nhà cầm quyền Bắc Kinh về
thành tích nhân quyền của nước này. Và ông Lý Bằng, Thủ tương
Trung quốc, đã đáp lại : Trung quốc là một nước đang phát triển
với dân số hơn một tỉ người. Nhân quyền đối với chúng tôi là làm
sao cho có đủ ăn trước đã. Ông Lý Bằng còn lôi lịch sử ra để nói
rằng nhân dân Trung quốc đã từng bị các cường quốc bên ngoài đè
nén, áp chế và làm nhục trong hơn một thế kỷ sao không thấy ai
nói đến nhân quyền. Có người cho rằng ông John Major đừng nên vì
muốn giải quyết vài vấn đề ở Hong Kong mà sang thăm Trung quốc
sau vụ Thiên An Môn. Chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của một lãnh
tụ phương Tây cỡ ông John Major đã làm tăng uy tín Trung quốc,
nếu không nước này đã chẳng nể lời ông mà tha cho Luo Haixing,
một doanh nhân Hong Kong bị kết án tù 5 năm hồi tháng Ba về tội
tìm cách giúp cho hai tên phản cách mạng vụ Thiên An Môn trốn đi
nước ngoài.
Đảo lộn lớn nhất trong lịch sử 36 năm truyền hình thương mại
của Anh đã xẩy ra hồi trung tuần tháng 1O khi bốn công ty của ITV
bị mất đặc quyền truyền hình trong một cuộc đấu thầu khiến nhiều
chương trình mà dân Anh ưa thích có thể tiêu tùng luôn. Điều
nghịch lý là có những công ty bỏ thầu cao hơn lại thua công ty bỏ
thấp hơn mà lý do là vì Ủy hội Truyền hình Độc lập cho rằng
chương trình, kế hoạch của họ đề ra không thực tế và không thể
làm được. Như hãng TVS bỏ thầu cao nhất với giá 59 triệu bảng
một năm lại thua hãng Meridian Broadcasting chỉ bỏ có 36 triệu.
Bà Thatcher nhận bà có phần lỗi trong việc hãng TV-am bị mất
giấy phép. Chả là vì hồi còn làm Thủ tướng, quyết tâm đổi mới khu
vực truyền hình thương mại của bà đã dẫn đến phương cách đấu thầu
này. Trong thư gửi cho ông giám đốc TV-am – nơi con gái bà là
Carol làm việc – bà đau lòng nhìn nhận trách nhiệm của mình. Lập
tức ông giám đốc TV-am cho công bố lá thư ấy lên làm bà Thatcher
mất mặt, và rồi ông lại xin lỗi bà Thatcher vì đã làm bà mất mặt.
Cứ thế mà hai người sorry đi và sorry lại. Hai tiếng đầu tiên
người Việt mình học được khi mới tới Anh là THANK YOU và SORRY.
Còn những tiếng khác như chửi thề chẳng hạn thì học sau cũng
chẳng muộn. Còn ở đây lâu thế nào chẳng có dịp được nghe và được
dùng.
Cũng vẫn chuyện bà Thatcher nhưng là về bộ hồi ký cuả bà. Các
báo Anh ra ngày 16-1O cho hay sau gần một năm mà cả đi mà cả lại,
nay bà Thatcher đã bằng lòng bán bộ hồi ký của bà cho nhà xuất
bản HarperCollins do ông Rupert Murdoch làm chủ. Bộ hồi ký sẽ gồm
hai tập. Tập đầu dự tính cho xuất bản vào cuối 1993 nói về 11 năm
rưởi cầm quyền của bà, tập nhì nói về cuộc đời của bà trước 1979.
Nghe đâu tiền bản quyền nhà HarperCollins trả cho bà là từ 4
triệu tới 5 triệu bảng Anh.
Vì tiền bản quyền nhiều như thế nên các chính khách và nhân
vật tên tuổi trên thế giới đã đua nhau viết hồi ký. Bà Raisa, vợ
ông Gorbachev, Tổng thống Liên bang Xô Viết đang vật lộn để giữ
lại cái liên bang của mình, cũng đã viết hồi ký. Ngay cả ông
Yeltsin, Tổng thống Liên hiệp Nga, đang lúc chính phủ Nga gập
tang gia bối rối vì hai ông bộ trưởng từ chức và trong nước đang
có đe dọa biểu tình, đình công, cũng lấy nghỉ hai tuần để …
viết hồi ký. Chẳng biết hồi ký của ông Yeltsin sẽ bán được bao
nhiều, liệu có cao giá hơn hồi ký của các tướng lãnh và chính
khứa Việt Nam không ?
Tháng 9 vừa qua đã xẩy ra một số vụ bạo loạn của thanh thiếu
niên tại một số đô thị của Anh như tại Oxford, Tyneside … Hàng
trăm thanh thiếu niên đã kéo nhau xuống đường chọi nhau với cảnh
sát. Có một số cửa hàng bị cướp phá, một số nhà bị đốt cháy…
Nhìn cảnh tượng hỗn loạn ấy trên màn ảnh truyền hình, có người
mường tượng đến cảnh diễn ra ở Thiên An Môn. Điều khác nhau là ở
đây không có xe tăng, súng lớn súng nhỏ mà chỉ có những toán cảnh
sát chống bạo động tay cầm dùi cui, núp sau những tấm lá chắn
bằng nhựa. Dường như các vụ bạo loạn này có dính đến cái trò gọi
là “joyriding” tức là lấy xe của người khác lái đi chơi nhong
nhong, lái nhong nhong chán rồi thì lái thi đua xem ai thắng ai
trước sự cổ võ của một số người xem. Đã có tai nạn xẩy ra làm vài
người chết và có cả cảnh sàt bị thương khi dùng xe đuổi bất họ.
Cảnh sát can thiệp là bạo động bùng nổ.
Những tin bạo loạn ấy được đăng trên trang đầu của nhiều nhật
báo lớn và cũng đã gây ra chuyện lời qua tiếng lại giữa nhà cầm
quyền với giáo hội Anh. Chả là ông George Carey, Tổng giám mục
Canterbury, cho là những vụ bạo lọan ấy có liên quan đến tình
trạng suy đồi ở các thành phố, nhà ở tồi tàn xập xệ, thanh thiếu
niên bị xã hội bỏ bê, thất học, thất nghiệp và nghèo khó. Lập tức
ông John Major và chính phủ của ông phản pháo liền. Những vị này
lên án những vụ bạo động cho đó là hành động của một số phần tử
xấu, vô kỷ luật và vô trật tự, những hành động tội ác chống phá
cộng đồng.
Ông Kenneth Baker, Bộ trưởng Nội vụ, còn nêu lên vấn đề trách
nhiệm của các bậc phụ huynh khi trong số những người bị bắt giữ
có khá đông trẻ em. Ông cho rằng lúc ấy đừng có hỏi “Cảnh sát đâu
? mà phải hỏi : “Cha mẹ chúng nó đâu ?” Ông Baker còn lên án việc
dùng từ “Joyriding” có hàm ý dung dưỡng cho bọn ăn cắp xe, một
tội ác thường đưa đến tai nạn chết người. Ông còn muốn nâng hình
phạt dành cho bọn “joyriders” từ 6 tháng lên tới hai năm tù.
Theo báo cáo của Bộ Nội Vụ ngày 13-9 thì trong 12 tháng qua
tính tới tháng 6-91, mức tội ác đã tăng 18 phần trăm với gần 5
triệu vụ vi phạm chia ra : 4.6 triệu vụ (94%) xâm phạm tài sản,
256 OOO vụ (5%) xâm phạm an ninh thân thể, tội ác tình dục, và
trộm cắp. Số còn lại 33 OOO vụ (l%) là tội ác thuộc các loại linh
tinh. Già nửa tổng số vụ tội ác ghi nhận được là ăn cắp xe hay ăn
cắp đồ để trong xe (l.4 triệu vụ hay 29%) hay ăn trộm có bẻ khoá
(1.1 triệu vụ hay 23%).
Theo số liệu của cơ quan Kiểm tra Dân số thì trong 1O em tuổi
từ 11 tới 15 vẫn có một em hút thuốc lá đều đều mặc dầu chính phủ
đã mở một chiến dịch chống hút thuốc từ 1O năm nay nhắm vào lớp
tuổi này. Khoảng 17 triệu điếu thuốc mỗi tuần đã được các em
thuộc lớp tuổi này tiêu thụ ở Anh (England), 85O OOO điếu ở
Wales, và 1 triệu rưỡi điếu ở Scotland.
Cứ trong 5 gia đình thì nay có một gia đình do một mẹ hay một
cha đứng đầu và tỉ số gia đình chỉ có một mẹ đứng đầu đã tăng
khoảng 5O phần trăm trong vòng ba năm qua. Do số ly dị, ly thân
hay “không chồng mà chửa mới ngoan” gia tăng nên hiện nay có trên
1.25 triệu bậc cha hoặc mẹ một mình nuôi con. Người Anh gọi họ là
“lone parent”.
Theo số liệu của Hội chơi Video Anh (British Videogram
Association) thì có hơn 2 triệu hộ gia đình ở Anh có hai máy
video trong nhà và họ chi mỗi ngày sơ sơ có gần l triệu rưỡi Anh
kim tiền thuê phim video. Vì chưa có số liệu riêng cuả cộng dồng
người Việt nên không biết người Việt mình đã chi tiêu bao nhiêu
tiền mỗi ngày để thuê phim chưởng Hong Kong và Đài Loan.
Trong khi ấy thì tin của Age Concern (Hội lo cho người già)
cho hay có khoảng 6 OOO bô lão trên ngũ tuần thuộc loại vô gia cư
ở Luân Đôn, sống vất vưởng trên vỉa hè hay trong các hostels,
trong đó có vài người đã sống không nhà như vậy từ năm 1945 kia
lận.
Nước Anh rất tự do dân chủ nhưng cũng rất chuộng đạo đức luân
lý. Chẳng thế mà Sir Allan Green. Uỷ viên công tố hàng đầu của
Anh. đã phải từ chức sau khi bị cảnh sát bài trừ tệ đoan xã hội
bắt gập quả tang đang láng cháng với hai ả gái điếm trong khu đèn
đỏ sau nhà ga King Cross hồi gần 11 giờ đêm 2-1O-91. Một ả nói
với cảnh sát là đã từng thấy ông già này ở đây. Thế là Sir Allan
Green tiêu tan sự nghiệp 32 năm trong nghề bảo vệ công lý và luật
pháp. Nhiều người cho rằng đó là chuyện riêng tư của ông không
liên can gì đến cái thành tích trong sạch trong nghề nghiệp của
ông, nhưng nhiều người khác lại không nghĩ như vậy. Bộ trưởng nội
vụ Kenneth Baker cũng cho rằng đó là một thảm kịch cá nhân, nhưng
cũng nói rằng việc ông Green từ chức là một điều phải. Sir Allan
Green năm nay 56 tuổi, có vợ và hai con.
Nhưng tại sao Sir Allan Green lại nửa đêm láng cháng đến khu
đèn đỏ ấy làm gì để mà mang họa như vậy ? Bác sĩ Neil McKegany
thuộc ban nghiên cứu sức khoẻ công cộng đại học Glasgow cho rằng
đi tìm thỏa mãn sex một cách lén lút có cái thú và khoái cảm
riêng của nó. Nhiều người còn đi để được phục vụ theo những kiểu
cọ riêng mà vợ hay girl-friends của họ không chịu làm. Lena, một
gái điếm ở khu King Cross cho biết khách hàng của ả thuộc đủ mọi
hạng người, nhưng đa số là những người đã có vợ con đàng hoàng,
thuộc hạng tuổi trung niên, sống cuộc sống mẫu mực và trong sạch
đứng đắn.
Ả Lena còn tâm sự với nhà báo Ian Katz về nghề nghiệp của ả.
Sau khi ngã giá xong, ả dẫn khứa vào một bãi đậu xe dưới gậm cầu.
“Thường chỉ 8 phút thôi” ả nói. “Nếu quá 1O phút thì em đòi thêm
tiền”. Với giá 25 bảng, khứa được giải quyết bằng tay và bằng mồm
trong bóng tối sân sau nhà để xe. Ả không làm “full sex”. Ả
thường lao động về đêm, từ 7 giờ tối đến l giờ sáng. Chừng 5 hay
6 khứa một đêm, mỗi khứa 25 bảng là ả có thể kiếm được 15O bảng
ngon lành. Nhưng ả cũng gập cạnh tranh. Nhiều đứa cần tiền xì-ke
ma túy đã đánh sụt giá xuống còn 2O bảng. Lena có học. 17 tuổi,
với bẩy O levels, ả bỏ Liverpool lên Luân Đôn làm việc. Rồi thất
nghiệp, nghiện ngập, cần tiền, ả phải …
Bây giờ đến chuyện đứng đắn hơn nhưng có thể làm buồn lòng
người tị nạn và di dân. Số là Toà án châu Âu ngày 3O-1O-91 đã
phán quyết bất lợi cho 5 người Tamil bị hành hạ ngược đãi ở Sri
Lanka sau khi họ không được Anh quốc cho tá túc và trả về Sri
Lanka. Toà bác bỏ khiếu nại của họ chống lại Bộ Nội Vụ Anh vì Bộ
này không cho họ được quyền kháng cáo trước khi trả họ về nước.
Các luật sư bênh vực cho mấy người Tamil này cho rằng Toà án châu
Âu đã để bị ảnh hưởng của bầu không khí chính trị đang lan tràn ở
châu Âu chống người tị nạn và di dân.
Quả thật vậy, một phong trào chống người tị nạn, di dân và
người ngoại quốc nói chung đang bùng lên ở nhiều nước châu Âu. Ở
Pháp, cựu tổng thống Valery Giscard dnói dân nhập cư vào
Pháp đang biến thành kẻ xâm lăng. Ngày 15-1O, một toà án Pháp xử
phạt và xử tù 16 tên tân quốc xã về tội tổ chức những trận tấn
đánh bằng bom vào dân di cư người Ả Rập làm một người thiệt mạng
và 19 người bị thương.
Ở Tây Ban Nha, tinh thần chủng tộc dâng cao khi phụ huynh học
sinh tẩy chay các trường học ở Catalonia và Andalusia để phản đối
việc cho phép dân “gypsies” ghi tên vào học.
Ở Thụy Điển là nước trước đây đã theo đuổi chính sách phóng
khoáng nhất thế giới về người tị nạn nay cũng thấy xoay chiều.
Năm 199O Thụy Điển chấp nhận 3O OOO đơn xin tị nạn. Năm nay chỉ
nhận không đầy 15 OOO. Bọn tân phát xít đã ném bom xăng vào các
trung tâm tiếp cư người tị nạn và đã viết các khẩu hiệu trên
tường “Hãy giữ cho Thụy Điển là của người Thụy Điển”.
Nhưng ác nhất có lẽ là ở Đức. Trong những tháng gần đây hầu
như ngày nào cũng xẩy ra những vụ hành hung người nước ngoài, đốt
phá những nơi người tị nạn và di dân trú ngụ. Chị Hoàng thị Vinh,
32 tuổi, có mang sáu tháng, bị 9 thanh niên bịt mặt đấm đá tàn
nhẫn trong phòng khách nhà chị ở Dresden. 5OO người Đức tụ tập
bên ngoài một trung tâm người tị nạn và ném bom săng vào trong.
Khoảng 1OO tên skinheads giao chiến với một số thanh niên tả
khuynh lái một đoàn xe từ Berlin tới để bảo vệ các trung tâm tị
nạn. Tinh thần kỳ thị chủng tộc có nhiều ở Tây Đức hơn ở Đông
Đức. Ở Đông Đức 77 phần trăm dân chúng nói là họ không có cảm
tình với bọn phân biệt chủng tộc còn ở Tây Đức chỉ có 6l phần
trăm. (GUARDIAN 23-9). Theo Bộ Nội Vụ Đức thì 75 phần trăm trong
số 271 vụ đốt phá và 134 vụ tấn công vào người nước ngoài ở Đức
trong năm nay là do đám choai choai dưới 2O tuổi – có đứa mới 12
tuổi – làm. Hầu hết các vụ tấn đánh này xẩy ra ở Tây Đức.
(GUARDIAN 29-1O)
Còn ở Anh thì sao ? Kết quả một cuộc nghiên cứu điều tra cho
biết 45 phần trăm dân Anh tin rằng họ rất khác với các dân tộc
khác. Kết quả ấy cho thấy nước Anh là một trong những nước ở châu
Âu có tính bài ngoại nhất, chỉ sau Ba Lan và Ý mà thôi. Đấy là
nói về sách vở, còn trên thực tế người Anh có thích người nước
ngoài hay không thì chắc mỗi người chúng ta đều đã có nhận xét
riêng rồi rút từ kinh nghiệm bản thân của mỗi người.
Sau cùng là một chuyện có liên quan đến con heo Việt Nam (heo
thật chứ không phải heo theo nghĩa bóng). Nhật báo GUARDIAN 9-1O
đăng một tin ngắn : Những người nuôi heo xề Việt Nam làm vật
cưng sẽ bị phạt 2OOO bảng Anh nếu họ vi phạm những điều lệ đã
được Bộ Nông nghiệp công bố ngày hôm qua. Những con heo này, được
nuôi trong nhà và dắt đi chơi như dắt chó, có thể có vi khuẩn gây
nguy hại tới đàn vật nuôi với mục đích thương mại. Chủ heo phải
xin giấy chứng nhận nơi nhà cầm quyền địa phương, phải xích ngoài
cửa và chỉ được phép cho heo đi dạo cho bớt cuồng cẳng theo những
lộ trình đã được chấp thuận. Heo cưng có thể bị thủ tiêu trong
những trường hợp vi phạm nặng nề điều lệ. Không biết đích xác ở
Anh có bao nhiêu heo cưng, nhưng phỏng đoán cũng có thể có tới
nhiều ngàn.”
Đọc xong tin trên, một thằng cha xi-ních cười hô hố nói :
“Nếu heo Việt Nam cho sang đây nhiều và trở thành hết “cưng”,
không biết chúng có bị cưỡng bức hồi hương không ?” Rõ thật thằng
cha thối mồm, ăn nói lãng nhách. Phỉ thui!
PHI NHÂN
VUI BUỒN TRONG CỘNG ĐỒNG
ANH
Ông Trần Quang Hải, nhạc sĩ và nghiên cứu gia về giọng, đã
được mời tham dự Đại hội nghiên cứu về giọng (Voice therapy) do
hội về giọng nói Anh quốc (British Voice Association) cùng với
Hội biểu diễn nghệ thuật y khoa Anh quốc (British Association for
Performing Arts Medicine) tổ chức tại đại học y khoa University
College & Middlesex School of Medicine ở Luân Đôn từ 26 đến
29-6-91. Tại Đại hội, ông Hải được trao giải thưởng cao qúy là
Ferens Price 1991. Ông là người châu Á đầu tiên đươc nhận giải
thưởng này. Tiểu sử ông Hải được ghi vào WhoWho in the World
1991-92, Mỹ.
Nhân tuần lễ Việt Nam, thư viện Kentish Town (Bắc Luân Đôn)
cho chiếu phim “Cô Gái Trên Sông” do đạo diễn Đặng Nhật Minh thực
hiện, vào tối thứ năm 10-10-91. Có khá đông người Anh tới xem.
Phim “Cô Gái Trên Sông” đã được đài 4 (Channel 4) cho chiếu đêm
29-9-91 trong chương trình giới thiệu điện ảnh Việt Nam gọi là
“Mùa phim Việt Nam”.
NHẬT
Cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Nhật đã quyết định thành lập
Hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật và thỉnh mời Đại đức Thích Chân
Lễ (tị nạn đến Nhật hai năm trước) làm hội chủ, hiện đang ráo
riết chuẩn bị đại hội tại chùa Risoho Kosikai Ofuna ngày 22-9 để
chính thức bầu ban trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật.
Giao lưu văn hóa cấp dân sự giữa Việt-Nhật đang phát triển
mạnh. Từ 1989, tại Saigon đã thành lập Trung tâm Văn hóa
Việt-Nhật với trường Nhật ngữ Sakura do bà Harachie N.T.Thủy
trông coi. Trường này hiện có khoảng 4OO học viên và vừa mở thêm
một cơ sở mới tại Hà Nội. Tháng 6-91, anh Nguyễn Đức Hoè, cựu
sinh viên du học, cựu trưởng cư xá Đông Du ở Tokyo đứng ra
thành lập Trung tâm Nhật ngữ Đông Du ở Thành phố Hồ Chí Minh,
hiện thu nhận khoảng 2OO học viên, học một ngày 5 giờ, học phí
chùng 😯 OOO đồng VN/tháng. Một trong những mục tiêu chính của
Trung tâm là đưa người sang du học hay làm việc tại Nhật.
Khoảng giữa năm nay,chính phủ Nhật cho biết có thể thu nhận
2 OOO người Việt sang làm việc tại các hãng xưởng tư nhân. Phía
Việt Nam cũng đồng ý trên nguyên tắc, và đây là một chương trình
mới tùy thuộc mức độ thâu nhận của các nghiệp đoàn Nhật. Theo
tiến trình này, người đặt chân đến Nhật nếu có sẽ là vào khoảng
giữa năm 1992.
NẠN BĂNG ĐẢNG VÀ BẠO HÀNH
Người Việt ở Cali độ này hơi ngán đi ăn ở các hàng quán
Việt Nam vì sợ bị vạ lây. Như vừa rồi, vào lúc l giờ rưỡi đêm,
cảnh sát đã phải đến quán Thanh Hải bắt giữ 19 thanh niên và tịch
thâu hai khẩu súng lục. Theo nhật báo Register lớn nhất ở Quận
Cam (Orange County) thì quán này nổi tiếng hay có băng đảng người
Việt tụ tập và thường xảy ra đánh nhau. Tệ trạng băng đảng này
trầm trọng đến nỗi cảnh sát San Jose đã phải bỏ ra 18 tháng để
hoàn thành một cuốn album dán hình ảnh của 43O du đãng Việt Nam
để cho các nạn nhân của các vụ cướp của giết người có thể nhận
dạng. Theo VNTP số 377 (từ 1 đến 15-1O-91) thì “đại đa số những
tên này tuổi từ 18 đến 25, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Một số là
những tay chân, thủ hạ của những tổ chức chính trị mờ ám, hoạt
động dưới danh nghĩa kháng chiến, phục quốc, chống cộng mà thực
ra chỉ là những tên chuyên nghề làm tiền, sách nhiễu người dân
lành hoặc khủng bố các cơ sở thương mại của người Việt ở
California.”
Theo PNDĐ số 93 (từ 1 đến 3O-1O-91) thì nhà chức trách liên
bang và cảnh sát New York đã mở hai cuộc đột kích và bắt giữ 1O
người đàn ông trong đó có David Thái, 35 tuổi, được cho là lãnh
tụ của băng “Born to kill” (Sinh ra để giết) có khoảng 5O-1OO
đoàn viên nam nữ tuổi 13 đến 35, với các chi nhánh tại New
Jersey, Los Angeles và Texas. Băng này chuyên bán đồng hồ giả
loại đắt tiền, tống tiền, cướp bóc và giết người. Các chủ tiệm
dọc đường Canal Street, từ đường La Fayette đến đường Church,
mỗi người phải đóng hụi chết từ 1OO đến 6OO đôla mỗi tháng, còn
người buôn bán lẻ trên lề đường thì phải đóng từ 2O đô trở lên
hàng tuần cho bọn này. Khi bắt David Thái, cảnh sát còn tịch thu
được nhiều súng tay, ống hãm thanh và vật liệu để làm chất nổ.
Trong sân nhà Thái có đậu một chiếc xe Jaguar kiểu mới nhất.
Theo báo Register ngày 29-6-91 thì hồi 11g4O sáng ngày
28-6-91, tiệm vải Thanh Minh trên đường Bolsa (trung tâm Saigon
Nhỏ) bị hai tên cướp Việt có võ trang xông vào lấy súng uy hiếp
bà chủ tiệm là bà Võ Thị Lý. Anh Nguyễn Quý Đức, 36 tuổi, con
giai bà Lý mở được hộc bàn giấy lấy được súng ra bắn một tên cướp
bị thương nặng và tên kia chết tại chỗ.
Theo nhật báo Dân Chủ và các báo Việt khác ra ngày 1O-8-91
ở Mỹ thì sau nhiều tháng theo dõi, nhân viên an ninh Mỹ đã ập vào
chợ An Đông ở đường Westminster thuộc Saigon Nhỏ, tịch thu một số
tiền mặt là 28 OOO đô mà tiệm này đã thu được trong ngày về dịch
vụ bán số đề (căn cứ theo số trúng của vé số lotto của tiểu bang
Cali được xổ vào hai ngày thứ 4 và thứ 7 mỗi tuần). Bà Ngô Hương,
chủ chợ, và người làm công bị bắt, một số tang vật bị tịch thu để
đưa ra tòa về tội cờ bạc bất hợp pháp. Sở cảnh sát ước lượng mỗi
ngày chợ An Đông phải thu vào khoảng 4O OOO đola tiền số đề.
Khỏang 12g3O khuya ngày 15-7-91, một vụ án mạng đã xảy ra
tại một ngôi nhà ở Beaver Food thuộc vùng Woodbridge, Virginia,
mà nạn nhân là bà Claire Marrot, 39 tuổi, vợ ông Jean Marrot, 38
tuổi, và cô Nguyễn Kim Hường, 2O tuổi, bị bắn chết. Cả ba đều là
người Việt Nam. Bà Claire là chủ tiệm uốn tóc Hair Performers còn
cô Hường là người làm việc tại tiệm. Ông Jean Marrot đã bị bắt
giữ để điều tra.
Một bọn cướp xông vào một tư gia bắt trói bà già giữ trẻ và
lục soát lấy đồ đạc trong nhà. Chúng còn kéo bà già đến bồn rửa
mặt, dùng nuớc và sà-phòng để lôi vuột cho được chiếc nhẫn ra
khỏi ngón tay. 5 nghi can người Việt bị bắt, tuổi 18-19, trong đó
có một em mới 15 tuổi. Cảnh sát đã tịch thu ba súng ngắn, thu hồi
một số nữ trang.
Một thanh niên Việt khoảng 2O tuổi đã bị bắn chết trong
công viên Central Park ở Huntington Beach. Tiếng súng nổ được
nghe thấy sau 1 giờ sáng sau khi nạn nhân, hung thủ và 2 người
khác cãi nhau ở đây. Nghi can giết người tên Trần Vĩnh Thụy, 19
tuổi, cư ngụ tại Westminster đang bị truy lùng.
Vũ Văn Hùng, 34 tuổi, thủ phạm giết anh Nguyễn Văn Hoa, 27
tuổi, và hãm hiếp một thiếu nữ 19 tuổi tại Van Nuys ngày 29-1-91
đã bị bắt hồi tháng 5-91 và bị đưa ra toà Van Nuys ngày 25-7-91
để bị truy tố về tội sát nhân.
Vừa rồi, toà án quận Cam đã tuyên án hai anh Nguyễn Minh và
Nguyễn Thiện ở Westminster, một người 25 năm tù đến chung thân
khổ sai về tội dùng súng bất hợp pháp, người kia 26 năm tù và
thêm một án chung thân khổ sai về tội lái xe qua một con đường ở
Santa Ana và đã vô cớ bắn chết em Pedro Hernandez, 12 tuổi, và làm
bị thương em David Sanchez. Dường như hai anh này nghiện ma túy,
đi tìm mua ma túy không được nên đã nổi sùng nổ súng bắn bừa bãi.
Theo một bài báo của Jim Good phỏng vấn một du đãng Việt
Nam thì vì không có gia đình, anh em nào ở Mỹ nên hắn rất cô đơn.
1O năm sống ở Mỹ, trong đó 5 năm trong tù. Hắn theo chúng bạn rủ
rê đi ăn trộm rồi ăn cướp. Hắn cho biết một số tù nhân Việt Nam
đã bị các tù nhân Mỹ (nhất là người Mễ) giết ngay trong tù. Một
số bị hiếp dâm và loạn dâm rồi phát điên. Hắn cho biết đa số các
du đãng Việt Nam rất lạc lõng, không thích hợp được với cả hai
thế giới Mỹ và Việt.
Trên đây chỉ là một số chuyện về tệ nạn băng đảng và bạo
hành trong cộng đồng người Việt sống ở nuớc ngoài đọc thấy trong
các báo xuất bản ở Mỹ. Kể thêm ra sợ thành nhàm chán và có khi
còn làm mất vui bạn đọc nên tạm thời xin ngừng ở đây.
PHÚC AN
SAU CUỘC ĐẢO CHÍNH 6O GIỜ TẠI LIÊN XÔ
Lịch sử đã sang trang
Cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev chỉ tồn tại
được có 6l giờ thì tan rã như bọt bóng sà-phòng, nhưng đã để lại
một hậu quả vô cùng tai hại cho đảng cộng sản Liên Xô và cho
chính Liên bang Xô Viết.
Cuộc đảo chính bắt đầu lúc 3 giờ 18 phút (giờ GMT) sớm ngày
Thứ Hai 19-8-91 cùng với lời loan báo là vì Tổng thống Gorbachev
“thánh thể bất an” nên Phó Tổng thống Gennady Yannayev lên cầm
quyền thay. Sự thực thì lúc ấy ông Gorbachev đã bị giam lỏng tại
tòa nhà nghỉ mát của ông ở Crimea.
Những người cầm đầu cuộc đảo chính tuyên bố tình trạng khẩn
trương trong 6 tháng và thành lập một ủy ban khẩn trương tám
người do Phó tổng thống Yanayev đứng đầu và gồm có cả Thủ tướng
Liên Xô Valentin Pavlov, Bộ trưởng Quốc phòng Dimitri Yazov, Bộ
trưởng Nội vụ Boris Pugo,và người cầm đầu cơ quan mật vụ KGB là
Vladimir Kryuchkov.
Uỷ ban chiếm giữ phát thanh và truyền hình, đóng cửa tất cả
các báo trừ tám tờ, cấm biểu tình và ban hành lệnh giới nghiêm.
Xe tăng di chuyển qua khu trung tâm Moscow nhưng không chiếm
được tòa nhà quốc hội Nga và từ tòa nhà này Tổng thống Nga, ông
Boris Yeltsin,kêu gọi một cuộc tổng bãi công và đòi phải tái lập
ông Gorbachev. Những người ủng hộ ông Yeltsin tập hợp sau các
hàng rào chướng ngại vật và có tin công nhân đã lãng công tại một
số mỏ than.
Quân đội tăng cường kiểm soát tại các nuớc cộng hoà Baltic,
đóng cửa đài truyền hình Latvia, phong tỏa bến cảng Tallinn và
kiểm soát các trung tâm truyền thông khác. Một người lái xe
minibus bị bắn chết tại Riga, thủ đô Latvia, và là người đầu tiên
trong số 15 người bị thiệt mạng trong cuộc rối loạn này.
Tin đảo chính đưa ra lập tức bị ngay dư luận quốc tế chống
đối. Các nước trong Cộng đồng châu Âu cho đông lạnh ngay viện trợ
kinh tế và Tiệp Khắc cho ngay quân tiến ra biên giới giáp Liên
Xô.
Thứ Ba, đông đảo dân chúng biểu tình ở Moscow và Leningrad
chống đảo chính. Nga và Ukraine tuyên bố các quyết định của uỷ
ban khẩn trương là vô giá trị. Estonia và Latvia biểu quyết độc
lập hoàn toàn. Buổi tối, có tin chia rẽ trầm trọng trong đám cầm
đầu cuộc đảo chính mà lý do là vì không kiếm được hậu thuẫn trọn
vẹn của đảng cộng sản và vì không thống nhất được ý kiến là có
nên dùng quân đội tấn công tòa nhà quốc hội Nga không.
Sáng Thứ Tư, đám đảo chính bắt đầu tan rã. Những người cầm
đầu ủy ban khẩn trương bị bắt giữ khi tìm cách dời khỏi Moscow.
Về sau có tin ông Pugo, Bộ trưởng Nội vụ tự sát. Bộ Quốc phòng ra
lệnh rút hết quân khỏi thủ đô. Chiến xa và thiết vận xa cũng rút
khỏi các vị trí trong các nước Baltic.
4 giờ l4 phút chiều Thứ năm 22-8-91, quốc hội Xô Viết tái lập
ngôi vị tổng thống của ông Gorbachev đã bay từ Crimea về Moscow.
Những người cầm đầu cuộc đảo chính đều là những người tin cẩn
của ông Gorbachev được ông cất nhắc lên. Họ thuộc thành phần bảo
thủ, thất vọng và bất mãn trước những kết quả của chính sách
glasnost và perestroika do ông đưa ra. Trong con mắt họ, những
chính sách và quyết định của ông Gorbachev chẳng thấy làm cho nền
kinh tế Liên Xô đi lên mà chỉ thấy làm đi xuống thêm, làm suy yếu
đảng, làm đảng mất uy tín và uy quyền, làm rối loạn trật tự xã
hội, làm mất ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu, làm Liên Xô đang từ
một siêu cường ngang hàng với Mỹ bỗng tụt xuông hàng thứ yếu, và
nguy hơn nữa là còn có thể làm tan vỡ liên bang Xô Viết nếu để
ông Gorbachev ký với các nuớc trong liên bang một thỏa hiệp dành
cho họ nhiều quyền tự trị hơn. Vì thế trước ngày ông Gorbachev ký
thỏa hiệp đó, phe bảo thủ đã cho giam lỏng ông và tung ra cuộc
đảo chính.
Cuộc đảo chính thất bại vì những người cầm đầu lượng định sai
tình hình. Họ không ý thức được rằng trong 6 năm glasnost và
perestroika, người dân đã được phép phê phán việc làm của nhà
nước (tức đảng) và đảng viên được phép phê phán lẫn nhau mà không
sợ bị trù giập nên nhiều đảng viên thuờng không có đặc quyền đặc
lợi đã mạnh miệng phê phán những đảng viên có đặc quyền đặc lợi.
Uy thế và uy quyền của đảng xuống dốc mau chóng sau 7O năm người
dân Nga bị khoá mồm khoá miệng. Đảng suy yếu hẳn. Từ 2O triệu
đảng viên hồi cách đây hai, ba năm, truớc đảo chánh chỉ còn có 15
triệu hay ít hơn. Số đảng viên còn lại sống trong tình trạng
hoang mang không còn tin tưởng vào đảng như trước nên khi đảo
chính xẩy ra đa số đóng vai khách bàng quan, không cứu ông
Gorbachev mà cũng không theo phe đảo chính. Quân đội cũng không
bắn vào dân chúng. Còn dân chúng, dù không hài lòng với kết quả
công cuộc đổi mới, họ cũng nhất định không chịu trở về trật tự cũ
mà họ biết chắc sẽ không làm cho đời sống của họ tốt đẹp hơn. Họ
không theo phe đảo chánh.
Tình trạng hoang mang bất định còn thấy ngay trong đám cầm
đầu phe đảo chính. Họ không cùng một quyết tâm, không nhất trí
được với nhau về bất cứ việc gì và dường như cũng không biết rõ
việc mình làm … trừ một hai người chủ mưu.
Theo lời kể lại của Venyamin Yarin, một thành viên Xô Viết
Tối cao và là cố vấn của Tổng thống Gorbachev vẫn trung thành với
tông thống thì ông Gennady Yanayev, phó tổng thống, người được
coi là lãnh tụ số l của phe đảo chính, đã say khướt từ lúc bắt
đầu cuộc đảo chính và lúc bị bắt cũng vẫn say khướt.
Theo ông Vladimir Shcherbakov, một phó thủ tướng, thì dường
như tất cả mọi người đã bị Tướng Kryuchkov, trùm mật vụ KGB, lừa.
Ông này nói là đang có một âm mưu nổi loạn và loạn quân đang tập
hợp ở nhiều nơi trong thủ đô. Ông khẩn cấp kêu gọi các nhân viên
nội các đến ngay điện Kremlin để họp Hội đồng An ninh tìm cách
đối phó. Tới nơi, moị người mới được biết thêm là Tổng thống
Gorbachev bị bệnh nặng, đau tim hay đứt gân máu gì đó, đang trong
tình trạng hôn mê không hiểu biết gỉ cả.
Thế là ngay đêm chủ nhật đó mọi người lập uỷ ban cứu quốc 8
người được công bố vào tảng sáng thứ hai. 6 giờ chiều họp nội
các. Thủ tướng Pavlov nhắc lại là tính mạng các nhân viên nội các
vẫn bị đe dọa vì cái gọi là cuộc nổi loạn vũ trang đó. Ông có vẻ
tin vào điều ông nói, nhưng thái độ của ông vẫn làm sao ấy giống
như người chịu ảnh hưởng của rượu hay thuốc an thần. Ông hay lẩm
ba lẩm bẩm một mình. Qua ngày hôm sau thì có tin ông mệt nặng,
không tiếp tục công việc được nên ông Doguzhiyev, một phó thủ
tướng khác, thay thế.
Đấy nội tình những người cầm đầu phe đảo chính là như vậy thì
cuộc đảo chính làm sao thành công được. Khi thấy dân chúng không
ủng hộ, đa số đảng viên không tiếp tay, quân đội không chịu bắn
vào nhân dân, đám cầm đầu tự nhiên rã đám, mạnh ai người nấy tìm
đường tẩu thoát, nhưng thoát làm sao được. Tất cả đều bị bắt. Ba
người tự sát. Bộ trưởng nội vụ Boris Pugo tự sát bằng súng. Cố
vấn quân sự của ông Gorbachev, Sergei Akromoyeev, tự treo cổ
trong một văn phòng ở Điện Kremlin. Quản trị viên Trung ương đảng
Nikolai Kruchina lao mình qua cửa sổ, để lại mấy chữ : “Tôi không
phải là tội phạm. Tôi là một thằng hèn.”
Hành động xuẩn ngốc của bọn cầm đầu cuộc đảo chính đã đem lại
hậu quả vô cùng tai hại cho chính đảng cộng sản và liên bang Xô
Viết mà họ muốn cứu vớt. Sau cú đảo chính 6O giờ đó, Quốc Hội Xô
Viết treo giò đảng cộng sản là đảng đã nắm độc quyền lãnh đạo đất
nước từ năm 1917. Tài sản của đảng bị niêm phong và mọi hoạt động
của đảng phải ngưng lại cho tới khi hoàn tất cuộc điều tra vể vai
trò của đảng trong cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tông thống
Gorbachev. Chính ông Gorbachev cũng từ chức Tổng bí thư đảng và
khuyến cáo Uỷ ban trung ương đảng tự giải tán. Lợi dụng cơ hội
rối ren đó, nhiều nước cộng hỏa trong Liên bang Xô viết tuyên bố
độc lập đe dọa sự sụp đổ của toàn thể liên bang.
Việc đảng cộng sản mất quyền cai trị ở Liên Xô đánh dấu sự
cáo chung của một thời đại. Đó là thời đại đảng cộng sản Liên Xô
chi phối thế giới cộng sản trong hơn 7O năm. Cho tới gần đây,
khoảng 1 tỉ 6OO triệu người – trên một phần tư nhân loại – sống
dưới sự cai trị của các chính phủ cộng sản. Nhưng từ cuối thập
niên 198O, đảng cộng sản lần lượt mất quyền ở các nước Đông Âu.
Ba Lan, Đông Đức, Hungary, Tiệp Khắc, Bulgaria, Nam Tư và Romania
tất cả đều mở cửa cho chính phủ đa đảng.
Cuộc đảo chính bất thành còn cho thấy rõ nét hơn cuộc tranh
giành quyền hành giữa ông Yeltsin với ông Gorbachev. Ông
Gorbachev là Tổng bí thư đảng từ 1985. Là lãnh tụ đảng, ông muốn
dùng ngay đảng làm một công cụ để thay đổi Liên Xô nhưng ông đã
vấp phải sự phá hoại ngầm của những phần tử bảo thủ trong đảng.
Ông Yeltsin và ông Shevardnadze trước đây là những người thân tín
của ông được ông cất nhắc lên những chức vụ cao, nhưng khi thấy
ông Gorbachev quá “nể nang” phe bảo thủ không dám thi hành nhũng
chính sách cải cách mạnh mẽ, hai ông đã quay ra chỉ trích ông
Gorbachev nặng nề. Cả hai ông đều rút khỏi đảng do ông Gorbachev
lãnh đạo. Ông Yeltsin còn có lần lớn tiếng đòi ông Gorbachev từ
chức. Ông Shevardnaze từ chức Bộ trường ngoại giao trong chính
phủ của ông Gorbachev.
Ông Gorbachev là tổng thống liên bang tức chính phủ trung
ương. Ông Yeltsin là tổng thống liên hiệp Nga, bang lớn nhất
(diện tích 6 triệu rưỡi dặm vuông), dân số đông nhất (145 triệu,
chiếm khoảng nửa số dân trong toàn liên bang), giàu nhất nhờ có
nhiều tài nguyên thiên nhiên. Ông Yeltsin muốn thấy các bang được
rộng quyền tự trị, ít lệ thuộc vào Trung ương, kể cả quyền được
tự do rút khỏi liên bang nếu họ muốn. Nếu các bang được rộng
quyền tự trị, quyền của trung ương sẽ giảm bớt, thực quyền sẽ là
vào tay người nào nắm giữ được nước Nga là bang lớn nhất và mạnh
nhất. Chưa chi đã có người nói tới sự phục hồi của “đế quốc Nga”.
Ông Gorbachev bị kẹt giữa hai sức ép. Phe bảo thủ trong đảng
còn mạnh. Nhiều người còn giữ những chức vụ then chốt trong guồng
máy hành chính, kinh tế, quân đội, công an, mật vụ. Phe cấp tiến
của Yeltsin thì lại lớn tiếng và được sự hẫu thuẫn của quần
chúng. Khi bị Yeltsin và Shevardnase bỏ rơi và chống lại, ông
Gorbachev quay ra tìm hậu thuẫn của phe bảo thủ và chính
những người trong phe bảo thủ được ông tin dùng cất nhắc lên đã
tổ chức đảo chính để lật đổ ông. Thế là ông bị hai lần phản bội,
lần đầu là phe cấp tiến và lần sau là phe bảo thủ, nhưng lần sau
có sự đe dọa tới tính mạng của ông.
Sau cuộc đảo chính, ngôi sao của ông Gorbachev đi xuống còn
ngôi sao của ông Yeltsin lại đi lên. Ông Yeltsin được coi như ân
nhân đã cứu mạng sống của ông Gorbachev, được coi là một con
người dũng cảm đã trực diện đương đầu với phe đảo chính có súng
đạn trong tay, là một vị anh hùng của Liên Xô. Ông đã thừa thắng
xông lên như tại phiên họp quốc hội Nga ngày 23-8-91 ông đã có ý
hạ nhục ông Gorbachev khi buộc ông Gorbachev phải miễn cưỡng chấp
nhận những người do ông bổ nhiệm vào chính phủ Xô Viết, vào các
cơ quan an ninh của nhà nuớc Xô Viết, và đặc biệt là khi ông đưa
chính người của ông ra làm tổng tư lệnh quân đội Xô Viết.
Ông Yeltsin không có cơ sở pháp lý để xen lấn vào những công
việc của chính phủ Liên bang cũng như ông không có cơ sở pháp lý
nào để ra lệnh giải tán các tổ đảng trong lực lượng võ trang Liên
Xô tại Nga hay tịch thu những tài sản của Liên bang tại Nga.
Nhưng ông cố ý làm vậy là để làm mất mặt ông Gorbachev khi biết
đối thủ chính trị của ông đang ở thế yếu. Ông Yeltsin muốn chứng
tỏ cho mọi người thấy chính ông mới là người có uy quyền thực sự.
Nhưng ông Yeltsin cũng đang gập khó khăn hiện nay. Ông bị
nhiều người chỉ trích là chỉ mạnh miệng nói chứ không làm được
bao nhiêu. Bộ trưởng kinh tế và bộ trưởng môi sinh vừa từ chức
sau khi ông nghỉ hai tuần lễ để viết hồi ký về cuộc đảo chính 19
tháng 8. Trước những lời chỉ trích ấy ông đã phải gồng mình lên
đem cái tương lai chính trị của ông bỏ vào canh bạc khổng lồ là
tự đứng ra đảm nhiệm việc thực hiện chương trình cải cách với
liều lượng thật mạnh để cứu nguy nền kinh tế của Nga đang trên đà
sụp đổ.
Ông cảnh giác mọi người là chương trình cải cách của ông về
thả lỏng giá cả, cải cách ruộng đất, tư nhân hoá mau lẹ nền kinh
tế sẽ làm sút giảm mức sống khiến nhiều người phải đau khổ nên
ông thiết tha kêu gọi mọi người hãy thông cảm những khó khăn
trong thời kỳ chuyển tiếp sang một nền kinh tế giá cả thị trường.
Ông không chỉ định một thủ tướng để thi hành cải cách mà sẽ tự
đứng ra cầm đầu chính phủ và xin được thêm quyền hạn thành lập
chính phủ mà không phải xin quốc hội chấp thuận. Tại phiên họp
Đại hội đại biểu nhân dân ngày 28-1O, ông nói : “Đây là quyết
định quan trọng nhất trong đời tôi.”
Trong khi ấy thì Tổng thống Gorbachev tái xuất hiện lần đầu
tiên trên chính trường quốc tế sau cuộc đảo chính l9-8 khi ông
đến dự Hội nghị hoà bình Trung Đông họp tại Madrid. Đứng cạnh
Tổng thống Mỹ, ông George Bush, ông Gorbachev không còn thu hút
được sự chú ý đặc biệt của hàng triệu, hàng triệu khán thính giả
đài truyền hình như hồi trước đảo chính, mặc dầu ông dõng dạc
nói: “Tôi vẫn còn là Tổng thống. Chưa ai chiếm chỗ của tôi cả.”
Tương lai Liên Xô sẽ như thế nào, chưa ai có thể trả lời dứt
khoát được. Nhưng cũng đã có người như giáo sư Myron Rush, dạy
môn chính phủ tại đại học Cornell, cho rằng đảng cộng sản Xô Viết
vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một
tình trạng ổn định chính trị tại Liên Xô nếu khéo biết lèo lái
qua cơn bão táp hiện nay. Ông Blair Ruble, giám đốc Viện nghiên
cứu các vấn đề Xô Viết ở Washington, cũng cho rằng nhiều người ở
Liên Xô còn ủng hộ một số những chính sách an ninh xã hội của
cộng sản nên đảng cộng sản vẫn có thể được một số dân chúng dồn
phiếu cho.
Orlando Figes thì viết là ở Liên Xô hiện nay vẫn còn 18 triệu
viên chức mà hầu hết có chân trong đảng (trước đảo chính). Loại
bỏ những ngưới này là làm một cuộc thanh lọc khổng lồ gây sáo
trộn hệ thống chính quyền và làm mất đi rầt nhiều tài năng giàu
kinh nghiệm trong các lãnh vực chuyên môn.
Ký giả Jonathan Steel cho rằng muốn thay đổi nước Nga thì
phải xây dựng trong nhân dân Nga tinh thần tôn trọng luật pháp,
mở rộng dân chủ tới mức tối đa, biết lắng nghe đối lập và chịu
chấp nhận bất đồng chính kiến. Làm được việc này cũng phải mất
hàng chục năm. Cải cách kinh tế thực sự cũng phải lâu như vậy.
Các nước Đông Âu đã cố gắng chuyển từ một nền kinh tế nhà nước
chỉ huy sang một nền kinh tế thị trường bằng những biện pháp cực
mạnh và đã thất bại. Sự thất bại đó phải là một cảnh cáo cho Nga
lẫn phương Tây. Không có gì thay thế được sự thay đổi dần dần
từng bước. Kinh tế tư doanh phải bắt đầu từ dươi lên, từ khu vực
nông nghiệp và dịch vụ trước nhất. Đây là lãnh vực cần cải thiện
nhiều nhất và chứa đựng tiềm năng làm vừa lòng giời tiêu thụ
nhanh nhất. Còn phương Tây có cung cấp gì thì cũng chỉ là trợ
giúp bên lề mà thôi.
Sau cuộc chính biến 6O giờ tại Liên Xô hồi tháng 8-91, những
gì xẩy ra tại vùng đất này cho thấy Liên bang Xô Viết theo kiểu
cũ với quyền hành tập trung cả vào Moscow không còn có nữa và các
đảng cộng sản ở Liên Xô dù có hoạt động trở laị cũng không còn
giữ được địa vị độc tôn nữa. Lịch sử đã sang trang.
QUÝ VĂN
ĐỔI MỚI HAY LÀ CHẾT
nhưng ĐỔI MỚI NHƯ THẾ NÀO ?
Đã đành ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có lần nói “Đổi
mới hay là chết” nhưng đổi mới như thế nào, chính trị trước hay
kinh tế trước, hay cả hai cái cùng một lúc, và đổi mới với tốc độ
nào, thật nhanh hay chầm chậm từ từ vẫn còn là đề tài gây nên
nhiều tranh cãi sôi nổi không chỉ ở trong nước mà còn ỏ cả ngoài
nuớc trong các cộng đồng người Việt nữa.
Liên Xô đổi mới chính trị trước. Khi lên làm Tổng bí thư đảng
hồi tháng 3-1985 ông Gorbachev đề ra chủ thuyết glasnost và
perestroika. Ông dùng ngay đảng cộng sản ông nắm trong tay với
con số khoảng 2O triệu đảng viên để thực hiện công cuộc cải cách.
Đảng không còn sinh hoạt trong bóng tối bí bí mật mật nữa mà đã
phơi bầy ra trước mắt mọi người. Mọi người được ăn được nói và
được phép chỉ trích đảng và nhà nuớc. Những phần tử thủ cựu trong
đảng, hoặc vì những đặc quyền đặc lợi họ được hưởng từ trước tới
nay hoặc vì đầu óc giáo điều khô cứng ngấm ngầm chống phá công
cuộc cải cách của ông Gorbachev. Trong khi ấy những phần tử cấp
tiến trong đảng như nhóm của ông Yeltsin đòi hỏi phải cải cách
mau và mạnh hơn nữa, ngay cả việc dùng đến những biện pháp quyết
liệt.
Ông Gorbachev bị giằng xé giữa hai lực lượng. Cuộc đảo
chính nhằm lật đổ ông Gorbachev đã đem lại thắng lợi vô cùng to
lớn cho phe cấp tiến nhưng đồng thời cũng đem lại những khó khăn
mới. Liên bang Xô Viết kiểu cũ bị sụp đổ hoàn toàn. Đảng cộng sản
bị treo giò và không có hy vọng nào trở lại địa vị độc tôn như
trước, nhưng cũng chưa có chính đảng mới nào có đủ sức hậu thuẫn
của nhân dân để lấp lỗ trống đảng cộng sản để lại.
Trong khi ấy tình hình kinh tế tiếp tục suy sụp. Sản xuất đình
đốn. Phân phối gián đoạn.Mùa đông tháng gía này, hàng triệu người
dân Liên Xô phải sống trong cảnh cơ hàn, thiếu ăn thiếu sưởi, và
bệnh tật nếu các nước phương Tây không viện trợ cấp tốc. Đã có
dấu hiệu dân chúng bất mãn ở nhiều nơi. Để cứu vãn tình thế, ông
Yeltsin, Tổng thống Nga, phải thân đứng ra thi hành các biện pháp
cải cách quyết liệt mà ông đã cảnh cáo là sẽ đem lại nhiều đau
đớn cho dân chúng Nga. Ông còn xin Quốc Hội cho phép ông được cai
trị bằng sắc lệnh của tổng thống và cho hoãn các cuộc bầu cử địa
phương cho tới tháng 12 sang năm. Tại một cuộc họp Quốc Hội cuối
tháng 1O-91, ông đã nói là tổ chức bầu cử lúc này là một trò chơi
xa xỉ chúng ta không được phép làm. Không thể tổ chức tranh cử và
bầu cử cùng một lúc đem thi hành những biện pháp cải cách quyết
liệt.
Các đề nghị của Tổng thống Yeltsin đã được Quốc Hội chấp
thuận, nhưng điều trớ trêu ở đây là trong khi phe dân chủ có
người tỏ ý e ngại ông Yeltsin sẽ tiến tới độc tài thì phe bảo thủ
lại ủng hộ ông hết mình vì họ tin rằng các cải cách thất nhân tâm
của ông sẽ thất bại và sự nghiệp chính trị của ông vì thế sẽ tiêu
ma.
Cuối tháng 1O, tại Ba Lan có cuộc bầu cử Quốc Hội tự do dân
chủ nhất từ hơn 5O năm nay. Kết quả là trong số hơn 2O đảng đưa
người ra tranh cử, không một đảng thắng nào chiếm được trên 13
phần trăm số phiếu của cử tri. Đảng Liên Minh Dân Chủ Phe Tả
(Democratic Left Alliance) – cộng sản cũ – chỉ thua sát nút đảng
Liên Hiệp Dân Chủ (Democratic Union). Số người đi bỏ phiếu chỉ có
4O phần trăm có nghĩa là trong số 5 cử tri có tới 3 vị “hỗng
thèm” đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử thực sự dân chủ nhất ở Ba Lan
từ 5O năm nay.
Phe Công Đoàn Đoàn Kết ủng hộ Tổng thống Lech Walesa thất
vọng não nề nhưng vẫn thẳng thắn chấp nhận bản án của nhân dân.
Tổng thống Walesa nói : “Xã hội đã trở nên vô cùng chia rẽ và
phân hóa”. Thủ tướng Bielecki nói : “Một cuộc bỏ phiếu chống lại
kinh tế thị trường”. Chủ tịch Quốc hội Stelmachowski nói : “Tình
trạng không thể để tiếp tục như trước được nữa”. Để cứu vãn tình
thế trước sự quay trở lại chính trường của các phần tử cộng sản
cũ, ông Walesa cũng muốn xin lập pháp cho ông được đặc quyền vừa
làm tổng thống vừa làm thủ tướng nghĩa là nắm trọn quyền hành ít
nhất trong vòng hai năm.
Nhớ lại cách đây mới hơn hai năm, ở Ba Lan cũng có những cuộc
bầu cử dân chủ, tuy chưa trọn vẹn, và Công đoàn Đoàn Kết đã thắng
hết sức vẻ vang. Dường như lúc ấy người dân có một sự lựa chọn
thật là rõ ràng giữa cái quá khứ đầy đau khổ với cái tương lai
đầy hy vọng. Nay cái tương lai ấy đã trở thành cái hiện tại đầy
phũ phàng : Thất nghiệp vượt quá 1O phần trăm, lương vẫn ở mức
của Ba Lan trong khi vật giá ngang bằng của phương Tây. Giới về
hưu bị đập nặng nhất vì nạn lạm phát, còn công nhân – lực lượng
nòng cốt của Công đoàn Đoàn Kết – thì lang thang đói khổ vì mất
sở làm. Con số 6O phần trăm cử tri “hỗng thèm” đi bầu cho thấy
người dân chán nản, mất tin tưởng đến độ nào.
Trung quốc cải cách kinh tế trước và đã khá lâu trước khi ông
Gorbachev lên làm tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô năm 1985.
Công cuộc cải cách kinh tế đã giúp nâng cao mức sống của người
dân và trong khi mức sống đang lên thì phong trào đòi tự do dân
chủ bùng nổ sau một thời gian âm ỉ cháy ngầm. Giữa năm 1989,
trùng hợp với chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Gorbachev, các
sinh viên học sinh ở Bắc Kinh đã chiếm quảng trường Thiên An Môn
và tổ chức các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ. Các cuộc biểu
tình bị quân đội dùng súng đạn dẹp tan trong vài tiếng đồng hồ.
Các nhà báo phương Tây gọi đó là vụ Thảm sát Thiên An Môn.
Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh bị lên án gắt gao. Mỹ và các nước
phương Tây trừng phạt Trung quốc về kinh tế. Các nhà lãnh đạo
phương Tây bảo nhau tẩy chay không thèm đi lại với Trung quốc.
Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Chính phủ của Tổng thống Bush lại vẫn
dành cho Trung quốc qui chế tối huệ quốc về mậu dịch. Lần lượt
các chính khách phương Tây lại qua thăm Bắc Kinh. Cuối tháng 8
vừa qua, ông John Major, thủ tướng Anh cũng sang Bắc Kinh và có
bắt tay cụng ly với Thủ tường Lý Bằng, tên “đồ tể” đã ra lệnh nổ
súng vào đám sinh viên biểu tình hiền hòa ỏ quảng trường Thiên An
Môn “xin” tự do dân chủ. Đầu tháng 11. ông Baker, ngoại trưởng
Mỹ, loan báo sẽ qua thăm Bắc Kinh vào trước cuối tháng. Đây là
giới chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Trung quốc kể từ vụ gọi là
Thảm sát Thiên An Môn xẩy ra cách đây hơn hai năm.
Một tài liệu mật chỉ được lưu hành từ cuối tháng 9 trong đám
đảng viên kỳ cựu của đảng cộng sản Trung quốc vừa lọt ra ngoài.
Tài liệu lên án ông Gorbachev và ông Yeltsin là đang tung ra một
chiến dịch “khủng bố trắng” nhắm vào các đảng viên cộng sản Liên
Xô. Đã xẩy ra nhiều vụ bắt giữ và thanh trùng hàng loạt. Một tài
liệu mật khác mô tả cảnh những đảng viên cộng sản cũ bị hành hạ,
ngược đãi ra sao ở khắp Đông Âu, như một giáo sư dạy ở một trường
đảng nay phải đi bán vé xe điện ngầm, nhiều cựu đại sứ đi bán báo
ở ngoài đường. Có lẽ những chuyện này được kể ra là để nhắc khéo
cho thấy số phận dành cho những đảng viên cộng sản Trung quốc nếu
có một cuộc cách mạng mới. Đặc biệt có câu : “Hiểm nguy lớn nhất
không phải là những cuộc tấn công cuồng loạn của các lực lượng
thù địch ở trong và ngoài nước mà chính là việc những người trong
hàng ngũ đảng vứt bỏ vũ khí chủ thuyết và các nguyên lý Mác-xít
cơ bản”.
Tại Việt Nam, công cuộc đổi mới được chính thức phát động sau
Đại hội đảng họp hồi cuối năm 1986. Ưu tiên đổi mới là về kinh
tế. Việt Nam mở cửa, tư bản nước ngoài bỏ vốn vào đầu tư ở Việt
Nam tuy chưa nhiều. Người trong nước cũng bỏ tiền bỏ của ra làm
ăn buôn bán. Sinh hoạt kinh tế nhộn nhịp. Sản xuất gia tăng ở một
số mặt, nhất là nông nghiệp. Một số người trở nên giàu có. Nhưng
việc chuyển từ một nền kinh tế chỉ huy, quan liêu bao cấp sang
nền kinh tế thị trường cũng đem lại khó khăn, đau khổ cho một số
người, đặc biệt là giới công nhân viên, giáo viên sống bằng đồng
lương cố định, và những người lớn tuổi về hưu. Số người thất
nghiệp gia tăng kéo theo sự gia tăng các tệ nạn xã hội như mãi
dâm, ma túy, lối sống buông thả, làm ăn chụp giật, gian manh, lừa
đảo, buôn lậu, trốn thuế, tham ô hủ hoá trong đám cán bộ có chức
có quyền. Tội ác nhẩy vọt tới hơn 4O phần trăm trong sáu tháng
đầu năm 1991 theo tin của tờ Vietnam Weekly tháng 9-91.
Về chính trị Việt Nam vẫn không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
Tuy nhiên báo chí và người dân cũng được “cởi trói” nhiều
hơn trước, được ăn, được nói và được sống thoải mái hơn. Bầu
không khí chính trị cũng sôi động hơn nhờ những bài viết nẩy lửa
của Dương Thu Hương, những ý kiến nghe chối tai đối với một số
lãnh đạo như những ý kiến của các ông Trần Xuân Bách, Nguyễn Khắc
Viện, Hoàng Minh Chính, Phan Đình Diệu, Bùi Tín v.v. và v.v.
Sau Đại hội 7 họp hồi cuối tháng 6-91, ông Võ Văn Kiệt được
bầu lên làm thủ tướng với sự chấp thuận của Quốc hội. Khi đăng
tin này, nhiều báo ở Anh gọi ông Kiệt là một nhà “technocrat”,
một nhân vật hàng đầu chủ trương cải cách kinh tế theo kiểu tư
bản phương Tây.
Việt Nam vẫn đang tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới do Đại
hội 6 đề ra từ cuối năm 1986. Tốc độ nhanh hay chậm là do người ở
trong nước chọn lựa và quyết định. Họ mới là những người trong
cuộc, những người trực tiếp được hưởng thành quả của công cuộc
đổi mới nếu đi đúng đường và làm tốt, và cũng là những người phải
trực tiếp hứng chịu những hậu quả tai hại của công cuộc đổi mới
nếu đi sai đường hoặc làm không tốt. Mong rằng những gì đang diễn
ra ở Liên Xô, ở Ba Lan, ở các nước Đông Âu khác và ở Trung quốc
sẽ đem laị thêm kinh nghiệm cho Việt Nam để tiến hành công cuộc
đổi mới sao cho thích hợp với hiện tình Việt Nam và phù hợp với
cái trật tự mới đang hình thành trên thế giới. Mong lắm thay!
QUÍ VĂN
Từ người Cuba lưu vong
đến “Bọn chúng mình”
Người Cuba sống lưu vong ở Mỹ lâu hơn và đông hơn là người
Việt. Nhiều người đã ở Mỹ từ ba chục năm nay trong khi người
Việt chỉ mới có mặt đông đảo trên đất Mỹ từ 1975. Số người Cuba
lưu vong đông tới ngót nghét một triệu còn người Việt chỉ hơn
6OO ngàn.
Cái mộng “phục quốc” của lớp người Cuba lưu vong đầu tiên
trên đất Mỹ đã phôi pha theo với thời gian và chỉ còn lại là một
cái bóng mờ. Những biến động tại Liên Xô và quyết định rút quân
cùng cắt giảm viện trợ kinh tế cho Cuba của ông Gorbachev đã làm
sống lại giấc mộng đó nhưng cũng làm cho hàng ngũ người Cuba lưu
vong bị phân hóa hơn bao giờ hết.
Theo ông Alonso Morgan, một chuyên gia về cộng đồng người
Cuba-Mỹ có cơ sở tại Miami thì nhóm lưu vong đông nhất do Jorge
Mas Canosa cầm đầu chủ trương phải thay đổi tòan diện Cuba, diệt
hết chủ nghĩa cộng sản và thay vào đó bằng chủ nghĩa tư bản.
Những nhóm khác như nhóm Lập trường Dân chủ Cuba thì lại chủ
trương tự do kinh doanh nhưng vẫn giữ lại một số cơ cấu do Nhà
nước kiểm soát, chẳng hạn như về an sinh xã hội và y tế. Một nhóm
khác do Ramon Cernuda lãnh đạo thì lại muốn tìm kiếm một sự thoả
hiệp dù cho có phải để lại một số phần tử của chế độ cũ ở nguyên
vị trí. Tóm lại có rất nhiều nhóm chủ trương xây dựng lại Cuba
với những đường lối rất khác nhau.
Nhưng không một người Mỹ gốc Cuba nào lại nói là mình sẽ trở
về sống tại Cuba. Người già lớn tuổi thì kêu là mình già rồi, nói
chuyện trở về là quá trễ. Lớp trẻ hơn, sinh đẻ tại Mỹ, thì có
muốn trở về cũng không biết về đâu vì không có đâu mà về. Ông
Morgan cho rằng sau này, nếu tình thế ổn định và thấy có thể làm
ăn ra tiền được, chắc sẽ có một số trở về. Nhưng đại đa số chỉ
thấy nói đến chuyện về chơi, về nghỉ hè thôi.
Các nhóm nguời Cuba lưu vong vẫn ngồi ở khu “Havana Nhò” chờ
cho lão già Fidel Castro cút về vườn sớm. Nhưng mới đây ông này
lại tuyên bố : “Đối với tôi, quyền hành có sướng gì đâu, chỉ là
làm nô lệ cho mọi người. Nhưng tôi lại thích làm một thằng nô lệ.
Nghề của tôi mà.”
Chuyện về người Cuba lưu vong cho thấy có những điểm giống
với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong cộng đồng Việt
Nam cũng có những “trường phái chính trị” khác nhau và đôi khi
chống đối nhau đối với hiện tình đất nước. Có những nhóm chống
cộng cực đoan, chủ trương tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng nhưng
lại đòi phải diệt cho bằng được đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng
sản ở trong nước. Có những nhóm chủ trương chống cộng ôn hòa, lập
trường không rõ rệt. Còn có những nhóm chủ trương hoà giải hòa
hợp dân tộc, cùng bắt tay nhau để xây dựng lại đất nước. Nhưng
cũng không thấy mấy người nói rằng họ sẽ về sống ở trong nước mà
hầu hết chỉ muốn về “nghỉ hè”.
Điểm khác nhau là trong khi cộng đồng người Cuba lưu vong chờ
đợi cho tình hình đất nước họ ổn định hẳn và làm ăm được mới có
một số chịu trở về còn cộng đồng Việt thì đã có một số trở về làm
ăn rồi kể từ khi có chính sách đổi mới cuối năm 1986. Ngoài ra số
bà con người mình trở về “nghỉ hè”, nhất là vào dịp Tết, thì mỗi
ngày một thêm đông đến nỗi các chuyến bay vào dịp Tết đều không
còn chỗ, và ngay tại nước Anh này đã thấy có dấu hiệu cạnh tranh
giữa các hãng tổ chức du lịch về Việt Nam.
PHI NHÂN