
Răng trắng, đen và các tin – chuyện khác
RĂNG TRẮNG – RĂNG ĐEN
Nhiều người còn nhỏ tuổi không biết rằng cách đây năm sáu chục năm dân ta còn nhiều người giữ tục nhuộm răng đen.
Ngồi xem Tivi, khi thấy xuất hiện trên màn ảnh mấy bà già nhai trầu bỏm bẻm, khi cười để lộ hai hàm răng đen, có em đã thốt lên:
“Nom ghê quá!” Có em còn nói : “Tây nó xem thấy lại nghĩ là vì mấy bà ấy ăn thịt người nên răng mới bị đen.”
Thực ra, đó chỉ là mấy bà còn sót lại từ thời kỳ dân ta còn giữ tục nhuộm răng đen cách đây năm sáu chục năm. Trong thời kỳ tục nhuộm răng đen còn thịnh hành, bộ răng đen nhánh được đánh giá rất cao :
Một thương tóc bỏ đuôi gà Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Mình về mình nhớ ta chăng ?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Năm quan mua lấy miệng cười,
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Răng đen ai nhuộm cho mình ?
Để duyên mình thắm, để tình anh say.
Vì hàm răng đen nhánh hạt huyền được coi là đẹp nên các bà các cô thời ấy đã phải mất rất nhiều công phu để nhuộm sao cho hai hàm răng được đen nhánh. Thuốc nhuộm răng làm bằng cánh kiến có bán đầy ở các chợ. Mua về, đem trải lên trên một miếng lá cau đủ dài rộng để ấp lên hai hàm răng khi đi ngủ, như vậy môi trên và môi dưới sẽ giữ chặt hai miếng thuốc nhuộm trong khi nằm ngủ. Cứ nhuộm như vậy trong nửa tháng trời hay lâu hơn nữa và có người phải nhuộm đi nhuộm lại mới thành công. Trong thời kỳ đang nhuộm răng, thường chỉ ăn cơm nuốt chửng với nước mắm chứ không ăn với thịt cá hay bất cứ thức ăn gì cần phải nhai bằng răng. Răng ngấm thuốc ngả màu cánh gián rồi sau mới ngả màu đen. Răng không nhuộm đúng cách, không được đen gọi là “răng cải mả” nom luôm nhuộm rất xấu. Vì nhuộm răng mất công phu và phải chịu cực khổ như vậy nên tục ngữ ta có câu : “Mặt có xanh, nanh mới vàng”.
So với các bà các cô ngày nay đi mỹ viện để sửa sắc đẹp như sửa mắt, sửa mũi, sửa vú, sửa mông, căng da mặt, hút mỡ bụng v.v… thì không biết đằng nào cực khổ hơn. Nhưng có điều hầu như chắc chắn là nhuộm răng không nguy hiểm tới tính mạng như sửa sắc đẹp theo lối tân kỳ ngày nay.
Tạp chí VĂN NGHỆ TIỀN PHONG xuất bản ở Mỹ số 357 ra tháng 12/1990 đăng tin nữ ca sĩ xinh đẹp Jeannie Mai đã từ bỏ cõi đời vì cái vụ căng da mặt, sửa mắt, sửa mũi đang lúc cô hái ra tiền.
Nhà cô có hồ bơi sang trọng, có xe Mercedes lái chơi, con trai lên hai thật kháu khỉnh. Chồng cô là kỹ sư, không có cha mẹ ở Mỹ.
Trước đấy, đã có một bà trở thành “rau cỏ” (vegetable), nghĩa là nằm đó mà không biết sự đời diễn tiến ra sao chung quanh mình, ăn, thở, v.v. và v.v… đều nhờ vào máy móc, cũng chỉ vì cái vụ đi hút mỡ bụng.
Các bà các cô ngày xưa cũng chú ý tới mái tóc như các bà các cô ngày nay. Ta có câu “Cái răng cái tóc là góc con người”, có điều trước đây người ta ưa chuộng mái tóc dài óng chuốt mượt mà gọi là “tóc mây” mà ghét loại tóc cứng rễ tre và tóc quăn.
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn.
Tôi đã biết vợ anh rồi
Quăn quăn tóc trước là người hay ghen.
Thời tóc dài đươc ưa chuộng, có những phụ nữ tóc dài đến nỗi mỗi khi chải đầu phải đứng trên giường mới chải được để tóc khỏi quét đất. Họ vấn khăn đuôi gà, vấn tóc trần hoặc búi tóc. Dần dần tóc dài nhường chỗ cho tóc ngắn và … tóc uốn quăn là kiểu tóc bị ghét cay ghét đắng ngày trước. Có một thời các thiếu nữ choai choai ưa để tóc xõa ngang lưng gọi là “tóc thề”.
Nếu thời răng đen thịnh hành, mấy bà để răng trắng nhởn bị gọi là “mấy cô tân thời”, “mấy con me tây” thì thời tóc dài thịnh hành mấy cô xung phong uốn tóc quăn cũng bị miệt thị như vậy. Mấy cô tóc uốn quăn mà ra gánh nước ở chỗ máy nước công cộng còn đươc tặng cho cái mỹ từ “Mary Sến”. Nay thì từ này hầu như không còn dùng được nữa vì con số quá dông phụ nữ Việt Nam nay dể kiểu tóc cắt ngắn hoặc uốn quăn. Ở ngoài nươc, ngay cả những bà bẩy, tám mươi tuổi cũng uốn tóc và mặc đồ tây, đồ đầm. Họa hoằn lắm mới gặp được một bà còn để tóc dài và chít khăn đuôi gà.
Thời trang có thay đổi, nhưng quan niệm của người đời về cái đẹp của người đàn bà có vài điểm dường như không thay đổi.
Con mắt lá răm lông mày lá liễu, đáng trăm quan tiền.
Hỏi ngày nay có mấy ai chê “con mắt lá răm lông mày lá liễu” là không đẹp ?
Có “eo” hay không có “eo” là một điều rất quan trọng đối với nhan sắc của người đàn bà, đúng cả thơi xưa lẫn thời nay. Chẳng thế mà ngày nay nhiều bà, nhiều cô đã phải cố gắng tập thể dục, đi bộ, chạy, kể cả nhịn ăn để giữ cho được cái “eo”. Nhưng có lẽ người đơi xưa quý trọng cái eo hơn người đời nay nên mới có câu:
Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con
Nhũng người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
Người Tây thích người đàn bà chân dài. Người Việt cũng vậy, thích những người “dong dỏng chân dang” vì cho rằng “trường túc bất chi lao”. Âu đó cũng là một điểm Đông Tây gặp nhau vậy.
Tuy yêu thích người đàn bà có nhan sắc, nhưng các cụ ta ngày xưa lại quý trọng cái đẹp tâm hồn, cái đẹp tinh thần hơn cái đẹp thể chất.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Các cụ lấy Tứ đức, Tam tòng làm cái thước để đo cái nết của người đàn bà. Tứ đúc là : CÔNG (tháo vát đảm đang, chăm lo viẹc nhà việc cửa, việc bếp núc, kim chỉ, tằm tang…), DUNG (dịu dàng thùy mị, tươi tắn, cử chỉ đi đứng khoan thai…), NGÔN (nói năng dịu dàng, lễ độ, không được văng tục chửi thề, mồm loa mép giải…), HẠNH (đoan trang, nết na đứng đắn, không nghe và nói những chuyện trăng hoa không đứng đắn…)
Còn TAM TÒNG là : ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (nếu không có con thì ở vậy thủ tiết thờ chồng) Đạo tam tòng xét ra quá khắc nghiệt, tuy vậy thời xưa vẫn có nhiều người tuân theo và đó chính là sức mạnh của phong tục tập quán.
Nhưng ở thời nào và dân tộc nào cũng có kẻ thế này người thế kia. Nếu có những người đàn bà chăm lo phục vụ chồng con và chiều chồng đến cả cái độ :
Đương cơn lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ cơm đã cạn rồi
Con khóc đã nín, tòm tem thì tòm thì cũng có những ngươi đàn bà chiều trai hơn chiều chồng :
Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.
và có những người đàn bà :
Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp con chàng con ai.
Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng chôn ra đầy đồng.
VIỆT QUANG